1. Ăn khi tức giận
Tác giả cuốn Conquer Your Stress With Mind/Body Techniques (Chiến thắng stress với những phương pháp nhận thức/cơ thể), tiến sĩ Kathy Gruver cho hay khi tức giận, chúng ta thường chọn những thực phẩm không tốt cho sức khỏe.
Chúng ta không có xu hướng chọn rau mà chỉ chọn những đồ ăn nhiều đường, nhiều chất béo, nhiều carbohydrate để có thể xoa dịu cơn giận của mình.
Hơn thế nữa, khi cảm xúc tăng cao, cơ thể có cảm giác nó đang gặp nguy hiểm. Lúc này, hệ tiêu hóa sẽ bị rối loạn và bạn có thể sẽ bị tiêu chảy hoặc táo bón.
2. Ăn khi tuyệt vọng
Không chỉ lúc tức giận bạn mới cảm thấy thèm ăn cái gì đó, mà lúc tuyệt vọng, mất mát, bạn cũng có thể sẽ chìm vào những đồ ăn không lành mạnh khiến bạn tăng cân.
Ví dụ như khi chia tay người yêu, khi mất đi một ai đó hoặc bạn cảm thấy không an toàn, có một vài vấn đề lớn nào đó trong gia đình xảy ra, bạn rất dễ rơi vào tình trạng ăn uống vô độ để khỏa lấp những điều đó.
Lúc này, bạn khó có thể kiểm soát được lượng đồ ăn và những thực phẩm mình tiêu thụ hàng ngày dẫn đến tăng cân mất kiểm soát.
3. Ăn khi một mình, không có việc gì làm
Có những lúc chúng ta cảm thấy rảnh rỗi, buồn chán, nhất là trong thời gian cách ly xã hội COVID-19, chúng ta sẽ có xu hướng nghĩ đến đồ ăn nhiều hơn. Khi ở một mình xem phim, nghe nhạc, bạn rất muốn nhâm nhi một vài thứ gì đó.
Những đồ ăn nhanh rất dễ hấp dẫn chúng ta như bỏng ngô, bim bim, piza, các loại bánh kẹo, nước ngọt. Đó là nguyên nhân bạn không thể giảm cân dù có thời gian ở nhà.
4. Ăn nhiều vì nhà có nhiều đồ ăn
Đây cũng là một yếu tố thúc đẩy bạn ăn nhiều hơn. Khi trong nhà dự trữ nhiều đồ ăn thì bạn có ý nghĩ rằng nên ăn không lại để nó… hỏng.
Thế là ngày nào cũng nấu rất nhiều món, đôi khi còn sẵn các loại đồ ăn vặt khiến bạn không thể cưỡng lại được, đặc biệt khi bản thân là một người rất thích ăn uống.
5. Ăn khi nhiều người khác ăn
Khi đi ăn với bạn bè hoặc dự tiệc, bạn thường có thói quen ăn uống thả ga với ý nghĩ nhiều người béo mà vẫn ăn, mình gầy thế này ăn thế thấm vào đâu.
Rồi khi đến văn phòng, các chị em thi nhau gọi đồ ăn và mình cũng góp vui, thế là thân hình lâu dần lại trở nên… phì nhiêu lúc nào không hay.
6. Ăn vì tiếc đồ ăn
Bạn dễ bị tăng cân mất kiểm soát khi thường xuyên ăn theo kiểu “tiếc”. Ví dụ như cuối bữa ăn, đồ ăn còn thừa và bạn không muốn bỏ đi nên cố gắng ăn cho bằng hết. Thế là lâu dần thành thói quen khiến cân nặng tăng vùn vụt.