Sinh viên thường có hy vọng cao cho những kì thực tập, muốn được thách thức, được tư vấn và kết thúc kì thực tập với những hiểu biết sâu xa hơn về sự nghiệp trong tương lai. Thật không may, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Bởi thực tế, chúng ta vẫn nghe về những câu chuyện thực tập sinh không làm gì ngoài việc pha trà rót nước hay photo tài liệu. Nếu điều này xảy ra với bạn, bạn phải làm gì? Đừng quá lo lắng và căng thẳng về điều này, bởi ít nhất bạn sẽ học được những điều này sau kì thực tập của mình!
1. Mở rộng các mối quan hệ
“Tri thức của các chuyên gia chỉ chiếm 15% trong thành công của họ, 85% còn lại phụ thuộc vào các mối quan hệ xã hội”- Andrew Carnegie , ông vua thép của Mỹ đã từng nói. Còn bạn thì sao nếu cuộc sống đại học của bạn là đường thẳng từ nhà đến trường, từ trường về nhà? Trong thời đại ngày nay, sinh viên cần đánh giá đúng tầm quan trọng của các mối quan hệ.
Và tham gia kỳ thực tập một cách nghiêm túc với thái độ tích cực cũng là một cách để bạn mở rộng các mối quan hệ. Những người bạn quen được trong kỳ thực tập rất có thể sẽ trở thành những đồng nghiệp tốt, đối tác tốt của bạn trong tương lai. Hoặc cũng có thể họ có thể giúp đỡ bạn trong việc tìm kiếm các công việc trong tương lai, viết giấy giới thiệu… Đôi khi các mối quan hệ cũng đem lại các lợi ích không ngờ cho bạn trên con đường tìm kiếm tri thức, là kênh thông tin cơ hội việc làm sau này.
2. Ai bảo khoảng thời gian “bưng trà, rót nước” không có ích?
Thường sinh viên đôi khi không vượt qua được bước “khảo sát” này vì luôn than phiền về những công việc phải làm và cho rằng người ta không coi trọng mình thay vì học cách dần dần thích nghi và khéo léo xin được giúp đỡ mọi người, từng bước hòa nhập vào guồng quay công việc. Thực ra, thời gian đầu phải “bưng trà rót nước” cũng là khoảng thời gian nhàn rỗi bạn có thể dùng để học hỏi nghiệp vụ, quan sát công việc của mọi người xung quanh và học cách thích nghi với môi trường mới. Đồng thời cũng là khoảng thời gian để đơn vị thực tập quan sát, đánh giá bạn trước khi giao việc.
3. Học cách ứng xử văn minh
Dù là công việc thực tập đơn giản hay có nhiều thử thách, khó khăn hãy thực hiện một cách nghiêm túc và chỉn chu, làm tốt công việc được giao dù là nhỏ nhất. Bởi rất có thể những công việc nhỏ hơn sẽ dẫn đến những công việc lớn hơn. Điều đó có ý nghĩa: nếu người quản lý của bạn không thể tin tưởng việc bạn có thể pha một tách cà phê đúng hay soạn thảo một bản word chuẩn thì làm thế nào họ có thể tin tưởng bạn với một nhiệm vụ rất lớn của dự án?
Bất cứ công việc gì dù lớn dù nhỏ – hãy thực hiện tất cả nhiệm vụ của bạn với lòng nhiệt tình và sự chuyên môn. Đừng bao giờ than phiền hoặc tỏ ra khó chịu, bất mãn với công việc được giao bởi thường là, những việc lặt vặt được sử dụng để “kiểm tra” khả năng và thái độ của bạn trước khi bạn được tin tưởng tham gia vào những công việc khác. Điều này thể hiện việc bạn có thái độ thiện chí, tinh thần làm việc chuyên nghiệp hay không!
4. Học hỏi từ những người khác
Không có nhiều cơ hội để gặp gỡ và học hỏi từ những người trong lĩnh vực bạn muốn tham gia và thực tập của bạn là một thời gian tuyệt vời để làm điều đó!
Một trong những điều tốt nhất mà bạn có sau kì thực tập đó là quan sát và học hỏi từ nhũng người đồng nghiệp cùng lĩnh vực mà bạn quan tâm. Bạn không chỉ có cơ hội để học “kỹ năng cứng” từ họ. Thay vào đó, bạn cũng có thể đặt câu hỏi, từ “n” câu trả lời của những người có kinh nghiệm bạn sẽ tích lũy cho bản thân rất nhiều bài học mà ở trường lớp chưa chắc bạn đã được dạy. Không có nhiều cơ hội để gặp gỡ và học hỏi từ những người trong lĩnh vực bạn muốn tham gia và thực tập của bạn là một thời gian tuyệt vời để làm điều đó!
5. Biết cách chủ động, tìm kiếm cơ hội
Nhiều thực tập sinh phàn nàn rằng việc thực tập của họ không diễn ra như tất cả những gì họ hy vọng. Do đó, trước khi bắt đầu thực tập bạn phải xác định được mình thực tập ở vị trí nào kèm theo mô tả công việc. Và nhiều sinh viên khi phải làm những công việc lặt vặt kéo dài đã tìm cách nói chuyện thẳng thắn và cởi mở với người quản lý và đề nghị được giao một số việc liên quan và trình bày được thế mạnh của mình. Học được cách tự chủ động yêu cầu công việc và tìm kiếm những cơ hội cho bản thân, điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn trong công việc sau này!