Hơn 40000 năm trước, có một loài chuột túi khổng lồ thường lang thang ở khắp miền tây Australia. Loại chuột túi cổ đại này có trọng lượng trung bình tới 118 kg, cao 3 m và có bộ hàm mạnh gấp nhiều lần loài chuột túi ngày nay.
Loài chuột túi, hay còn được biết với cái tên Kangaroo, có phần khuôn mặt ngắn, phần sọ vuông và là loài động vật đơn móng (những giống chuột hiện đại có ba ngón chân).
Một nghiên cứu mới cho thấy cơ hàm của loài chuột khổng lồ có sức mạnh dị thường, cho phép chúng có thể nhai và ăn được những thức ăn cứng. Khi các nguồn thực phẩm khác trở nên khan hiếm, loài chuột túi cổ đại có thể nhai và tiêu thụ được các thức ăn cứng như thân và cành cây v.v..
Gấu trúc là loài động vật đương đại duy nhất có cấu trúc xương và cơ hàm tương tự với loài chuột túi cổ đại. Gấu trúc ngày nay có thể nhai được những thân trúc sắc cứng cũng như những cây măng có chiều dày lên tới 15 cm.
“Nhìn chung, chuột túi cổ đại khá khác biệt so với chuột túi thời hiện đại, với thân hình dày hơn, cánh tay dài với nhiều cơ bắp cùng các ngón tay mở rộng. Thường chúng chỉ có một ngón chân cái lớn trên mỗi bàn chân và đầu có hình hộp giống như một con gấu.” – D. Rex Mitchell, tác giả của nghiên cứu chuột túi cổ đại cho biết.
Để chứng minh cho công bố của mình, Mitchell đã tạo ra các mô hình kỹ thuật số 3D giả lập lại phần hộp sọ và cơ hàm của loài chuột túi cổ đại.
Qua đó, Mitchell phát hiện phần xương gò má khổng lồ của loài động vật này là nơi chứa đựng một lượng cơ bắp lớn giúp phần hàm của con vật không bị trật khớp mỗi khi thực hiện các cú cắn mạnh. Ngoài ra, phần xương ở mặt trước và đỉnh sọ giúp tạo thành một vòm đỡ chắc chắn giữ cho các cơ hàm này không bị xoắn.
Cũng theo Mitchell, loài chuột túi cổ đại có khả năng thích nghi tốt hơn rất nhiều so với chuột túi ngày nay. Loài chuột túi đương đại chỉ thích những loài thực vật mềm như cỏ, hoa, dương xỉ và rêu. Tuy vậy, chuột túi cổ đại vẫn phải chịu số phận tuyệt chủng do quá trình biến đổi khí hậu khắc nghiệt xuyên suốt hàng vạn năm.