Không phải người nổi tiếng sở hữu lượng người theo dõi đông đảo trên facebook, cũng chẳng phải soái ca bụng 6 múi nhưng nhắc đến Ti Ak (tên thật là Võ Cao Thiên Ân), người ta sẽ nhớ ngay đến chàng stylist đầy tài năng.
Bỏ ngang công việc giảng viên thời trang để theo đuổi một con đường khó khăn và gập ghềnh hơn, Ti Ak đã khiến nhiều người nể phục khi chứng tỏ được năng lực của bản thân trong lĩnh vực stylist. Câu chuyện của Ti Ak đã mang đến cho các bạn trẻ động lực lớn để dám thực hiện những đam mê của mình.
Profile
Họ và tên: Võ Cao Thiên Ân (còn gọi làTi Ak)
Sinh năm 1991 tại Gia Lai.
Công việc hiện tại: Stylist, nhiếp ảnh, diễn viên.
Thành tích đạt được:
Tốt nghiệp xuất sắc ngành Sư phạm mĩ thuật – Đại học Mĩ Thuật.
Giải nhì thiết kế đồng phục học sinh của TW Đoàn TNCS HCM.
Giải gương mặt được yêu thích cuộc thi Sứ giả học Đường.
Stylist thành công hình ảnh cho diễn viên Tam Triều Dâng gây ấn tượng Tuần lễ thời trang Thu Đông tại Hàn Quốc.
Làm chiến dịch stylist hình ảnh và nhiếp ảnh cho nhiều nhãn hàng
Từ bỏ làm giảng viên thời trang
“Tôi bắt đầu làm người mẫu chụp hình và quảng cáo từ sớm nhưng khi trưởng thành, tôi lại quyết định trở thành một stylist. Bởi vì tôi yêu thời trang, muốn dùng tiền kiếm được mua sắm những món mình thích và tự lập hơn trong cuộc sống những ngày lên thành phố”, anh chàng Ti Ak mở đầu câu chuyện về mình.
Thế nhưng trước khi đến với nghề stylist, Ti Ak đã có khoảng thời gian làm giảng viên thời trang tại một trường đại học. Ti Ak tâm sự, thời điểm vừa tốt nghiệp, đi dạy cũng là thời điểm anh được khá nhiều lời mời stylist, sản xuất hình ảnh bên ngoài. Nhưng khi là một giảng viên mới, anh được yêu cầu phải có mặt 8 tiếng ở trường.
Mọi người khá khó chịu khi Ti Ak chỉ xuất hiện ở giờ lên lớp, từ đó anh bị dồn ép tất cả những việc không tên: từ việc đi phát thư, đóng khung tranh, phụ giúp khiêng vác, photo tài liệu, thậm chí hạ thấp, chèn ép, mỉa mai giới tính,… điều mà anh chưa bao giờ nghĩ lại có thể xảy ra trong môi trường sư phạm.
“Tôi tạm xa môi trường giảng dạy, ban đầu khá khó khăn vì quen nhận lương tháng của trường để chi trả sinh hoạt, giờ thì tất cả phải trông chờ vào các show bên ngoài. Mẹ của tôi thấy tiếc lắm, vì quan điểm của thế hệ ba, mẹ là phải làm cơ quan nhà nước mới có chỗ đứng vững chắc.
Tuy nhiên, khi tôi tìm lại sự tự do, tập trung với công việc sáng tạo của mình thì nhận được nhiều dự án mới hơn. Tôi chưa bao giờ hối tiếc với quyết định của mình. Còn công việc của một giảng viên mĩ thuật cho ngành thời trang tại trường đại học, tôi xem như một kỉ niệm khó quên”.
Có lẽ được tiếp xúc với thời trang từ sớm, hiểu được công việc stylist phải như thế nào nên Ti Ak không quá bỡ ngỡ để tiếp cận và nắm bắt nó. Thời gian đầu theo nghề, các báo trả nhuận bút rất thấp, Ti Ak lại muốn kiếm nhiều tiền nên lăn xả cộng tác với nhiều báo.
Lúc đó có ngày anh thực hiện gần 10 bộ ảnh cho các báo khác nhau và đi xe máy nên yên sau xe cột những túi đồ thật lớn, phía trước thì chất đồ cao gần tới cổ. Ai không biết lại lầm tưởng anh đi buôn hay ship hàng online.
“Là một stylist, tôi phải nắm trong đầu mọi xu hướng. Nếu bước vào một cửa hàng thời trang lớn như Zara, bạn sẽ choáng còn tôi chỉ cần rảo bước 5 phút là biết những món nào cần chọn. Và mỗi món đồ được lựa chọn ngay lập tức tôi đã nghĩ ra rất nhiều cách phối đồ khác nhau.
Còn công việc đầy đủ của stylist như tôi thì sẽ lên ý tưởng cho hình ảnh mình thực hiện cho quảng cáo, bộ ảnh báo, hoặc cho Sao lên thảm đỏ… Công việc lên ý tưởng có thể tìm kiếm các layout có chọn lọc để kết hợp lại cho khách hàng hiểu ý đồ của mình hoặc vẽ tay.
Ý tưởng được duyệt thì liên hệ các nhãn hàng, nhà thiết kế, shop thời trang để lấy những món đồ mình cần, những concept khó phải đặt may để hiện thực hoá ý tưởng.
Rồi thì cho nhân vật thử đồ, liên hệ nhiếp ảnh và trang điểm phù hợp với chủ đề mình muốn thể hiện. Đến buổi chụp ngoài hoàn chỉnh đồ cho nhân vật còn hướng dẫn họ tạo dáng. Sau khi hoàn thành việc, stylist trả đồ từng nơi, duyệt lại hình ảnh trước khi xuất hiện trên truyền thông.
Rất nhiều trọng trách trong công việc stylist, nếu không yêu nghề bạn nên bỏ cuộc ngay từ đầu”,là những đầu việc mà Ti Ak cũng như một stylist phải làm.
Đến những kỉ niệm bi hài trong nghề
Trải qua thời gian dài theo nghề, Ti Ak cũng trải qua kha khá những câu chuyện bi hài. Dù vậy, theo chia sẻ của anh thì đó không phải là những chuyện hiếm gặp trong nghề stylist.
Như lần suýt phải đền đồ hàng hiệu khi làm stylist MV ca nhạc cho Cao Thái Sơn. Lúc đó MV có những cảnh quay khiến cho trang phục bị dơ bẩn, Ti Ak phải mang đi hấp lại thì không may chất liệu vải bị thô cứng. Anh chàng phải thương lượng và giải bày đủ cách để nhãn hàng thông cảm nhận lại đồ.
Cả lần nhận show quảng cáo chụp cho Kaity Nguyên (phim Em chưa 18) và Hứa Vỹ Văn trong tình trạng gấp gáp. Buổi trưa nhận show, chiều phải đến studio rất xa nhưng Ti Ak lại không lường được tình huống.
Khi chuẩn bị đồ xong, trời mưa lớn, đường xá kẹt xe làm anh chàng đến trễ giờ lịch chụp. Dù mọi người thông cảm và hoàn thành buổi chụp thật tốt nhưng anh chia sẻ, đó sẽ là bài học cho anh khi sắp xếp công việc hoàn hảo hơn.
Thậm chí Ti Ak có một câu khẩu hiệu mạnh mẽ là “Tôi không bao giờ yêu người mẫu khi còn làm stylist”. Khẩu hiệu này xuất phát từ câu chuyện khi Ti Ak mới chập chững lên thành phố và làm người mẫu ảnh.
“Những người từng là người yêu cũ của tôi cũng ít nhiều hay ghen bóng gió khi công việc của tôi tiếp cận quá nhiều người mẫu đẹp và hấp dẫn.
Nhưng từ câu chuyện của bản thân mà lúc nào tôi cũng xem người mẫu là công việc, hợp tác với nhau trên phương diện thời trang, hình ảnh sao cho tốt là tôi hài lòng rồi”, Ti Ak giãi bày.