Nhà khoa học từ Đại học Howard (Washington DC – Mỹ) đã tiến hành quét bào thai 7 tuần tuổi của con người và xác định được tới 30 cơ bắp tay và chân dư thừa một cách khó hiểu. Lạ lùng hơn, các phần cơ thể này dường như không hề tồn tại ở người trưởng thành.
Quá trình phân tích đem lại kết quả gây sốc: Các cơ bắp lại đó thuộc về loài bò sát! Chúng được đặt tên dorsometacarpales, là tàn tích của các vị tổ tiên bò sát 250 triệu năm về trước.
Những hình ảnh công nghệ cao đã hé lộ những cơ bắp bò sát tồn tại trong giai đoạn đầu khi một con người được hoài thai – Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Phát hiện này là nhờ các máy ảnh công nghệ cao lần đầu đã hé lộ với giới khoa học những hình ảnh chi tiết nhất về cơ bắp của các em bé vừa mới hoài thai ít lâu.
Các bước quan sát tiếp theo cho thấy ở đa phần các bé 13 tuần tuổi, cơ bắp bò sát đã biến mất. Các bé còn lại cũng mất đi dấu tích cổ đại này sau đó ít lâu. Theo các nhà khoa học, số cơ bắp này đã bị hấp thụ dần vào các cơ bắp khác. Chỉ một số ít cá thể vì bất thường di truyền hiếm gặp còn tồn tại dạng cơ bắp này khi ra đời, như một dị tật bẩm sinh.
Theo tiến sĩ Rui Diogo, tác giả chính của nghiên cứu, cơ bắp bò sát chính là phần cơ thể của tổ tiên loài người bị loại bỏ khi tiến hóa từ bò sát thành động vật có vú 250 triệu năm trước.
Để rồi 55 triệu năm trước, loài linh trưởng nguyên thủy đầu tiên ra đời. 5,5 triệu năm trước, sinh vật “tiền con người” ra đời, mang nhiều đặc điểm chung với tinh tinh và khỉ đột. 4 triệu năm trước, vượn nhân hình xuất hiện. Sau đó là sự xuất hiện của những loài người cổ ngày càng giống chúng ta hơn. 300.000 năm trước, loài của chúng ta – người tinh khôn Homo Sapiens chính thức ra đời.
Pelycosaurs, loài bò sát được cho là tổ tiên của động vật có vú hiện đại – Ảnh: MICHAEL ROSSKOTHEN
Trong khi đó, một số động vật có vú khác vẫn giữ đặc điểm di truyền của thuở hồng hoang 250 triệu năm về trước đó. “Điều này cung cấp một ví dụ hấp dẫn, mạnh mẽ về sự tiến hóa” – tiến sĩ Rui Diogo nhận xét.