Sau loạt bài tố cáo phòng tập California Fitness ở Parkson Hùng Vương làm ăn gian dối và bán gói tập cho người chưa đủ tuổi được đăng trên Báo điện tử Công an TP.HCM, chúng tôi đã tìm hiểu thêm về thương hiệu này ở thị trường châu Á.
CHÀNG TRAI NẶNG 90 KG VẪN SỞ HỮU THÂN HÌNH 6 MÚI NGƯỜI MỚI TẬP DEADLIFT CẦN CHÚ Ý NHỮNG ĐIỀU GÌ?
Bài viết về việc California Fitness ở Parkson Hùng Vương làm ăn gian dối trên báo điện tử Công an TP.HCM. Ảnh chụp màn hình.
Vào giữa tháng 7, các tờ báo uy tín ở Hong Kong đồng loạt đưa tin California Fitness đóng cửa 12 chi nhánh tại Hong Kong vì khoản nợ 22,6 triệu USD tiền thuê nhà và lương nhân viên. Chỉ một tuần sau, theo thông tin từ tờ Straitstimes, California Fitnesstuyên bố đóng cửa ngay lập tức các phòng tập ở Singapore “cho đến khi có thông báo mới”.
Theo tờ ChannelNewsAsia, có khoảng 100.000 hội viên đang đứng trước nguy cơ mất trắng số tiền đã bỏ ra mua dịch vụ của chuỗi phòng tập gym của California Fitness do công ty này không còn khả năng chi trả. Giám đốc điều hành và hai quan chức cao cấp của công ty này đã bị bắt để điều tra vì hành vi gian lận thương mại và công ty đang tiến hành giải thể, thanh lý để trả nợ theo yêu cầu của toà án.
Hiệp hội người tiêu dùng tại Hong Kong và Singapore cũng xác nhận California Fitness đứng đầu trong danh sách các câu lạc bộ có nhiều khiếu kiện của khách hàng. Ngay trong ngày California Fitness thông báo đóng cửa ở Hong Kong, tờ HongKongFP thống kê Hiệp hội này nhận được 327 khiếu nại và 128 lời than phiền.
Các khách hàng đến một trung tâm California Fitness đã đóng cửa ở HongKong để chờ giải quyết. Ảnh: Straitstimes.
Các khiếu kiện chủ yếu liên quan đến việc chính sách bán hàng không minh bạch, ép buộc khách mua các gói dịch vụ, tự ý sử dụng thông tin thẻ tín dụng của khách để mua hàng và dịch vụ cung cấp không đúng với hứa hẹn,… Nhân viên và huấn luyện viên của công ty bị sức ép bán hàng rất lớn cùng chính sách hoa hồng rất cao đã khiến họ tìm mọi cách để bán hàng kể cả việc lừa đảo khách mua hàng.
Ngoài ra, California Fitness sẵn sàng hạ giá bán các gói tập xuống rất thấp miễn sao có được nhiều khách hàng, bất chấp chi phí hoạt động cao. Đây là một văn hoá kinh doanh không lành mạnh, đáng báo động với một thương hiệu lớn và lâu năm như California Fitness. Chính văn hoá kinh doanh này đã làm công ty không thể hoạt động ổn định và lâu dài.
Theo thông tin trước đó từ báo chí ở châu Á, nhiều câu lạc bộ khác của California Fitness tại Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan và Malaysia cũng đã bị đóng cửa hoặc chuyển nhượng trong những năm từ 2000 đến 2010.
Khách hàng đứng trước thông báo ngừng hoạt động của một chi nhánh California Fitness ở Singapore. Ảnh: ChannelNewsAsia.
Hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều người đã mua dịch vụ của phòng tập California Fitness với suy nghĩ đây là thương hiệu lớn của nước ngoài, đầu tư hào nhoáng, cùng với nhiều chiêu trò bán hàng, họ sẵn sàng bỏ ra hàng chục đến hàng trăm triệu với hy vọng nhận được chất lượng dịch vụ đẳng cấp. Nhưng sau đó hầu hết họ than phiền rất nhiều về dịch vụ kém và văn hoá kinh doanh quá thực dụng mà loạt bài trên báo điện tử Công an TP.HCM hay bức xúc của Hoa hậu châu Á tại Mỹ Jennifer Phạm đã nói lên điều này.
Nếu phòng tập California Fitness Việt Nam tiếp tục duy trì văn hoá kinh doanh giống như ở các nước khác thì e rằng sớm hay muộn câu chuyện phá sản của Hong Kong và Singapore sẽ tái diễn tại Việt Nam. Nếu điều này xảy ra, người chịu thiệt thòi lớn nhất vẫn là khách hàng khi bỏ ra số tiền không nhỏ để mua các dịch vụ trả trước.
Nhóm PV CNPN