Theo nghiên cứu đăng tải trên Heathline, 12% người duy trì được cân nặng lý tưởng sau 3 năm ăn kiêng thành công. 40% người tăng cân trở lại ở mức cao hơn ngưỡng ban đầu.
Huấn luyện viên Nguyễn Thanh Tùng (Hà Nội) nhận định: “Giảm cân thành công chỉ chiếm 50% chặng đường hướng tới mục tiêu của mọi người. Chúng ta đều mong muốn duy trì cân nặng của mình lâu nhất có thể”.
3 nguyên nhân gây tăng cân trở lại
Theo huấn luyện viên Tùng, hiện tượng tăng cân trở lại sau khi ăn kiêng xuất phát từ 3 nguyên nhân chính.
Đầu tiên, năng lượng nạp vào nhỏ hơn năng lượng tiêu hao sẽ làm cơ thể giảm cân. Đồng nghĩa, việc ăn ít hơn là công thức giúp chúng ta hạ trọng lượng.
Tuy nhiên, cơ thể luôn tìm cách chống lại sự thay đổi trọng lượng và cố gắng tạo cân bằng. Để thực hiện nhiệm vụ đó, hormone Ghrelin – yếu tố gây cảm giác đói – được tiết ra nhiều hơn. Lúc này, đa số người ăn kiêng phải đấu tranh giữa mong muốn giảm cân và cảm giác thèm ăn. Đây là lý do chính khiến họ có thể tăng cân trở lại sau khi ăn kiêng thành công.
Bên cạnh việc ăn quá nhiều, lượng calories tiêu thụ hàng ngày sau khi giảm cân cũng ít hơn. Nguyên nhân là cơ thể nhẹ yêu cầu ít năng lượng hơn và có xu hướng tiết kiệm sức lực để thích nghi với trọng lượng mới. Hoạt động trao đổi chất cũng bị giảm đi.
Theo nghiên cứu của Rudolph Leibel (2008), năng lượng trao đổi chất (BMR) ở những người từng giảm cân ít hơn 72-139 calories/ngày so với người chưa bao giờ ăn kiêng (cùng trọng lượng cơ thể). Bởi vậy, việc nạp lượng thực phẩm như trước cũng khiến cơ thể tăng cân do dư thừa calories.
Nguyên nhân cuối cùng là chế độ ăn kiêng thiếu khoa học. Việc thâm hụt lượng lớn calories trong thời gian dài khiến cơ chế trao đổi chất suy giảm mạnh. Thực phẩm nạp vào không thể chuyển hóa thành năng lượng khiến chúng ta tăng cân.
“Việc nhịn hoặc ăn quá ít làm cơ thể giảm cân nhanh chóng. Tuy nhiên, kết quả có được trong thời gian ngắn thường dễ dàng mất đi. Không chỉ khó cải thiện vóc dáng, cách làm này cũng gây hại tới sức khỏe”, huấn luyện viên Tùng khẳng định.
Cơ thể cần thời gian phục hồi
Huấn luyện viên Nguyễn Thanh Tùng cho biết Reverse Diet (ăn kiêng ngược) là chế độ có khả năng giúp cơ thể phục hồi sau thời gian ăn kiêng dài hạn.
“Cách này giúp năng lượng trao đổi chất quay về mức ban đầu, mang lại sự cân bằng và hạn chế mỡ thừa”, huấn luyện viên này giải thích.
Để áp dụng, Thanh Tùng gợi ý mọi người nên tăng khoảng 5-10% tổng năng lượng đang nạp trong chế độ ăn kiêng sau mỗi tuần. Lượng calories này có thể đến từ tinh bột (cơm, bánh mỳ, phở…) hoặc chất béo tốt như các loại hạt, dầu ăn, quả bơ…
Ngoài ra, huấn luyện viên Tùng cũng khuyến cáo việc vận động nhiều hơn sẽ giúp tăng calories tiêu thụ. “Mỗi người nên đặt mục tiêu về thời gian tập luyện trong tuần hoặc số bước chân cần đạt. Tùy điều kiện của từng người, thói quen vận động với cường độ tăng dần là cách duy nhất để chúng ta duy trì vóc dáng và sức khỏe”, huấn luyện viên này cho biết.