Thực tế, đã có những trường hợp tử vong do tập gym sai cách. Vậy người tập gym cần lưu ý những điều gì để tránh bị chấn thương, đột tử.
Hàng loạt vụ tử vong vì tập gym sai cách
Gym là phương pháp tập luyện được rất nhiều người lựa chọn nhằm tằng cường sức khoẻ, cải thiện vóc dáng. Tuy nhiên, thời gian vừa qua không ít người đã bị chấn thương, thậm chí tử vong trong khi tập bộ môn này.
Gần đây nhất là trường hợp một nam học sinh không may bị ngã trong khi tập gym tại Thanh Hoá. Do chấn thương ở vùng cổ quá nặng nên nạn nhân đã tử vong trước khi nhập viện.
Cuối năm 2016, Anh N.V.Đ, 40 tuổi (Thanh Xuân, Hà Nội) đã bị gục ngã và đột tử ngay trong lúc tập. Theo gia đình, anh Đ mới tham gia tập gym được 2 tháng. Trước khi tập gym, anh Đ sức khoẻ bình thường, không có dấu hiệu của đau ốm hay bệnh tật.
Trước đó, vào năm 2015 tại một phòng tập ở TP. Bình Dương, anh Nguyễn Gia Khánh (34 tuổi) tử vong ngay trên băng ghế vì bị thanh tạ ngang mỗi đầu 28kg đè chắn ngang cổ.
Theo ThS.BS Nguyễn Văn Phú, Phó Giám đốc (PGĐ) bệnh viện Thể thao Việt Nam, mỗi người khi tập luyện thể dục thể thao dù ở mọi mức độ đều có nguy cơ tiềm ẩn. Bên cạnh những lợi ích về sức khoẻ, phòng ngừa bệnh tật như: thể hình đẹp, tinh thần thoải mái, giảm stress…vv thì cần phải ghi nhận những tác dụng không mong muốn trong khi tập luyện.
Vì vậy, tập luyện trong điều kiện phù hợp và khoa học là điều rất cần thiết với mỗi người khi tham gia rèn luyện sức khoẻ, đặc biệt với bộ môn tập gym.
Những người nào không nên tập gym?
BS Phú cho biết: “Theo nguyên tắc Y học Thể thao, bất cứ điều kiện nào cũng có thể tập luyện được miễn là cường độ, tần số và thời gian tập phù hợp. Bộ môn gym cũng vậy, mọi người vẫn có thể tập nhưng mà để tạo ra thích ứng nhanh nhất và đạt hiệu quả tốt nhất thì phải chú ý đến cơ thể và sức khoẻ của mình”.
BS Phú cũng cho biết thêm, Gym là một môn thể thao kết hợp 3 yếu tố: các bài tập sức mạnh; các bài tập sức mạnh bền; các bài tập để tăng độ linh hoạt. Với tính chất đặc thù ấy thì những nhóm người sau không nên hoặc không phù hợp với mức độ tập gym:
– Những người có bệnh lý về đường hô hấp không nên tập gym. Ví dụ, người có tiền sử mắc bệnh hen, mặc dù đã được điều trị ổn định cũng không nên đi tập gym. Bởi vì, chính điều kiện tập luyện này lại là yếu tố nội sinh kích thích những cơn hen nội sinh và bệnh hen tái phát.
– Những người có tiền sử bệnh tim mạch không nên tập gym. Theo BS Phú, bên cạnh những người mắc bệnh tim đang được điều trị thì có một số trường hợp như: bệnh nhân bị thấp khớp cấp biến chứng vào tim mà không biết hoặc những người ngay từ nhỏ đã có dấu hiệu gì đó về tim mạch nhưng không biết…
Những đối tượng này bình thường sẽ không có biểu hiện gì về bệnh tim nhưng chỉ bộc lộ khi họ gắng sức gần như tối đa. Cụ thể là cơn rối loạn nhịp tim, những cơn khó thở và rất dễ gây biến chứng.
– Những người bị bệnh rổi loạn về chuyển hoá như: đường máu, mỡ máu.. sẽ gây ra những biến chứng: cơn hạ đường huyết, tụt huyết áp hoặc xảy ra tình trạng rối loạn về nhịp tim hoặc nhịp thở trong khu tập luyện.
– Những người có tiền sử bệnh lý về cơ, xương khớp hoặc các bệnh chứng như là rối loạn thần kinh cơ, nhược cơ, bệnh thoái hoá cột sống, viêm đa khớp dạng thấp, viêm cột sống, khớp…
BS Phú chia sẻ: “Những người thuộc nhóm bệnh này cần phải kết hợp chặt chẽ 3 bên: bác sỹ, người tập và huẩn luyện viên để có sực tư vấn thật chính xác tình trạng sức khoẻ trước khi tham gia tập luyện”.
Tập luyện sai thời gian gây tổn thương cơ thể
Theo ThS.BS Nguyễn Văn Phú, về nguyên tắc, thời gian tập luyện thuộc vào phạm trù vệ sinh an toàn tập luyện. Vì vậy, có những khoảng thời gian không nên tập trong ngày, đó là thời gian vi phạm một vài yếu tố sau:
– Không nên tập luyện vào thời gian quá xa bữa ăn vì khi đó cơ thể chúng ta đang trong tình trạng cạn kiệt năng lượng và đói.
– Không nên tập luyện vào điều kiện cơ thể ngược với chu kỳ sinh học tức là lúc chúng ta đã mệt mỏi cần sự nghỉ ngơi, bởi vì khi đó khả năng chú ý, khả năng tinh thần của chúng ta đang xuống ở mức thấp nhất. Nếu cố tình tập thì tỷ lệ chấn thương, nguy cơ đáng tiếc xảy ra trong tập luyện tăng lên rất cao.
– Không nên tập vào thời điểm không cố định tức là nay buổi này, mai buổi khác và cứ thay đổi kế hoạch liên tục. BS Phú phân tích đây là phương pháp tập luyện thiếu khoa học và làm cho cơ thể không có nhịp điệu ổn định.
Bởi vì khi chúng ta đưa cơ thể vào buổi tập 60p hay 120p hoặc lâu hơn thì sau đó cần khoảng thời dài cực dài để phục hồi, hiệu quả của buổi tập đó vẫn để lại tác dụng cho đến buổi tập ngày hôm sau. Vì vậy, những buổi tập cách nhau quá thưa hoặc quá gần đều gây ra những phản tác dụng và làm cho cơ thể chúng ta khó thích nghi hơn.
– Không nên tập gym khi điều kiện cơ thể chúng ta có những yếu tố về sức khoẻ như: bị cảm cúm, vừa mới sốt, vừa mới nhiễm trùng hoặc đang có những bệnh lý: cơn đau răng, bệnh lý về mắt, tai mũi họng…. Những chứng bệnh này khi tập luyện dễ gây ra tai biến hơn.
Ngoài ra, theo BS Nguyễn Văn Long – Bệnh viện Dunedin, TP Dunedi, New Zealand kiêm huấn luyện viên (HLV) Thể thao, mỗi người có thể chọn cho mình thời gian luyện tập phù hợp với công việc và lịch sinh hoạt. Tuy nhiên, không nên tập gym vào buổi tối muộn khi cơ thể cần nghỉ ngơi sau một ngày lao động.
BS Long cũng cho biết thêm, nên tập sau ăn ít nhất 1 tiếng đồng hồ hoặc chỉ ăn nhẹ trước khi tập, không nên ăn quá no trước khi tập. Đặc biệt không được uống rượu bia hay chất kích thích trước khi tập luyện.
Lưu ý khi tập luyện để tránh chấn thương, đột tử
– Nên tránh tập luyện quá mức cường độ tức là vượt quá khối lượng, thời gian và tần số mà người tập có thể chịu đựng. BS Phú phân tích: “Những bài tập sức mạnh thường phải tập tối đa nhưng tần suất thấp và thời gian ngắn. Đối với bài tập sức mạnh bền thì cường độ tập luyện không cao đến mức tối đa, thời gian vừa phải và tần số ở mức độ trung bình.
Còn những bài tập ở sức bền thì cường độ tập thấp hơn, thời gian kéo dài tối đa và tần số thực hiện nhanh tối đa. Dựa vào những yếu tố ấy, người tập nên cân nhắc khi lựa chọn bài tập phù hợp cho mình, tránh vượt ngưỡng cho phép”.
– Chỉ nên tập luyện theo khối lượng, mức độ khó tăng dần khi huấn luyện viên hoặc người hướng dẫn yêu cầu. Đồng thời, người tập cần phải tự xây dựng kế hoạch tập luyện phù hợp ngay từ ban đầu để có thể thích nghi với các mức độ tập luyện khác nhau, tránh dẫn đến chấn thương trong khi tập.
– Phải duy trì tập luyện thường xuyên và đều đặn. Thí dụ: Tập bài tập sức mạnh thì phải tối thiểu tuần 3 buổi và các bài tập sức bền thì tuần phải duy trì được 5 buổi thì mới có khả năng đạt được mục tiêu trong tập luyện.
– Tập ở những phòng tập đảm bảo an toàn như: độ chiếu sáng, thông gió, âm thanh…. sắp đặt phải phù hợp, tránh tổn thương cho người tập. Đặc biệt đảm bảo yêu cầu có phòng y tế hoặc có cán bộ được đào tạo y học thể thao, nắm sơ bộ những kiến thức sơ cấp cứu hoặc thực hiện một số biện pháp hồi sức.
– Theo BS kiêm HLV Nguyễn Văn Long, trong khi tập nếu có hấu hiệu bất thường như khó thở, chóng mặt, buồn nôn, đau tức ngực hoặc đau đầu thì cần phải dừng tập ngay lập tức.