Bản chất đơn giản
Stress được hiểu một cách đơn giản là một yếu tố tự nhiên từ thế giới bên ngoài tác động lên một cá thể nào đó. Về phía mình, cá thể đó sẽ đáp ứng lại stress theo cách mà chúng tác động, cũng như môi trường sống của cá thể đó. Vì thế, tất cả các sinh vật sống đều ở trong sự trao đổi hằng định với môi trường xung quanh (gọi là hệ sinh thái) cả về mặt vật lý và hành vi.
Tất nhiên, sự tác động lẫn nhau của sức mạnh hoặc năng lượng hiện diện trong mối quan hệ giữa tất cả các vật trong vũ trụ, dù đó có phải là sự sống hay không. Tuy nhiên, có những khác biệt then chốt là bằng cách nào mà những sinh vật sống khác nhau liên quan đến môi trường.
Những khác biệt này có tầm ảnh hưởng sâu rộng tới sự sống. Vì sự dư thừa mọi thứ trong đời sống hiện đại, chúng ta luôn luôn nghĩ về stress như là một cảm giác tiêu cực, nhưng trong góc nhìn khách quan sinh học thì stress có thể bao hàm những cảm giác: Tiêu cực, tích cực và thậm chí là trung hòa.
Nhìn chung, stress liên quan đến cả nhân tố bên ngoài, lẫn nhân tố bên trong. Những nhân tố bên ngoài bao gồm môi trường vật lý, công việc, các mối quan hệ, nhà cửa, đất đai, tiền bạc, địa vị…
Và tất cả các tình huống, những thách thức, khó khăn và mong đợi diễn ra từng giờ, từng ngày. Các nhân tố bên trong tác động lên khả năng điều khiển stress bao gồm tình trạng dinh dưỡng, sức khoẻ, cảm xúc, giấc ngủ và sự nghỉ ngơi.
Các nhà nghiên cứu cho rằng stress điều khiển sự thay đổi của tiến hoá. Do đó, các loài đáp ứng tốt nhất với nguyên nhân của stress thì sống sót và tiến hóa thành những nhóm động thực vật như chúng ta hiện thấy.
Con người là sinh vật có khả năng thích nghi nhất trên hành tinh, bởi vì sự phát triển của não người, đặc biệt là phần gọi là vỏ não.
Khả năng thích nghi này nhờ vào sự thay đổi và các yếu tố gây stress mà con người đã phải đối mặt, chế ngự và làm chủ. Do vậy, khác với động vật, con người có thể sống trong bất kỳ điều kiện khí hậu hoặc hệ sinh thái nào, ở các độ cao khác nhau và biết cách tránh sự nguy hiểm của dã thú.
Ngoài ra, con người còn biết cách sống trên không, dưới biển và thậm chí trong vũ trụ, nơi không có bất kỳ sinh vật nào sống do điều kiện khắc nghiệt. Như vậy, thử hỏi stress có phải là điều tồi tệ hay không? Câu trả lời chắc chắn là không! Vậy thì, stress đâu phải là điều gì ghê gớm như nhiều người vẫn tưởng tượng.
Những đáp ứng tích cực của stress
Các nghiên cứu cho thấy, đặc điểm chính của sự đáp ứng thích nghi tích cực với stress là liệu pháp thời gian. Sự đáp ứng phải khởi đầu nhanh chóng, duy trì với lượng thời gian thích hợp bảo đảm một kết quả tối ưu.
Sự đáp ứng quá mức với stress hoặc không đáp ứng nổi với stress có thể tạo ra kết quả sinh học tiêu cực. Ở những người khoẻ mạnh đáp ứng stress bao gồm 3 yếu tố. Thứ nhất, não bộ điều khiển sự đáp ứng ngay lập tức. Sự đáp ứng này báo hiệu cho tủy thượng thận giải phóng
Epinephrine và Norepinephrine. Đây là những chất có tác dụng dẫn truyền thần kinh trong cơ thể, đặc biệt là sự hoạt động của tim mạch.
Thứ hai, vùng dưới đồi (hypothalamus – nằm khu vực trung tâm não) và tuyến yên khởi động sự đáp ứng duy trì chậm hơn qua việc phát tín hiệu cho vỏ thượng thận giải phóng Cortisol và các hormone khác.
Thứ ba, nhiều mạch thần kinh đáp ứng hành vi. Sự đáp ứng này gia tăng cảnh giác, nhận thức cao, sự lưu ý đặc biệt, ức chế hành vi sinh sản và nuôi dưỡng, làm giảm cảm giác đau và điều chỉnh hành vi.
Kết quả phối hợp của 3 yếu tố đáp ứng stress trên duy trì sự cân bằng bên trong, gia tăng sự sản xuất năng lượng và tận dụng, biến đổi cân bằng nước và điện giải trong cơ thể. Nó cũng làm cho cơ quan phản ứng nhanh qua hệ thần kinh giao cảm.
Hệ thần kinh giao cảm hoạt động qua việc gia tăng nhịp tim, tăng huyết áp, điều chuyển dòng máu đến tim, cơ và não từ dạ dày, ruột và giải phóng glucose, các a-xít béo giúp chiến đấu hay lẩn tránh sự nguy hiểm.
Hiện tại, vượt qua nỗi sợ hãi của dịch bệnh chính là vượt qua stress. Khi cường độ của stress càng lớn thì khả năng chịu đựng của con người càng được thử thách. Vượt qua thử thách, tất cả sẽ bình yên.