Vi khuẩn và nấm chính là thứ chúng tôi muốn đề cập tới. Chúng đặc biệt sinh sôi phát triển tại các môi trường ẩm ướt như phòng gym, nơi không chỉ trên các thiết bị, chính cơ thể nhễ nhại mồ hôi của mỗi cá nhân cũng có thể trở thành “bến đỗ” hoàn hảo cho hàng loạt các vi sinh vật gây hại khác nhau. Và nếu bạn không biết cách chăm sóc làn da hợp lý, chúng có thể trở thành tác nhân gây ra hàng loạt các bệnh da liễu, từ mụn trứng cá cho tới nấm da,…
Theo bác sĩ da liễu Adam Geyer, chính vi khuẩn Propionibacterium acnes (hay P-Acnes), một loạt vi khuẩn có khả năng phát triển cực mạnh trong môi trường ẩm ướt, là nguyên nhân đứng đằng sau tình trạng mụn trứng cá tràn lan. “Chúng ta càng vận động nhiều, cơ thể sẽ tiết ra càng nhiều mồ hôi.
Điều này vô tình biến chúng ta trở thành ‘bữa tiệc thịnh soạn’ cho loài vi khuẩn này,” bác sĩ chia sẻ. “Những người tập thể dục nhiều cũng thường thấy sự gia tăng những đốm mụn ở phần ngực, lưng và mặt”. Việc tập thể dục sẽ khiến nồng độ testosterone trong cơ thể tăng lên, dẫn đến tuyến nhờn trong cơ thể sẽ tiết ra nhiều dầu nhờn hơn nữa. Điều này khiến cơ thể bạn càng ẩm ướt hơn, từ đó P-acnes cũng dễ sinh sôi hơn nữa. “Đây là một vòng lặp không hồi kết.”
Vấn đề còn phức tạp hơn nữa khi không chỉ mụn nhọt, viêm nang lông cũng là một trong những bệnh thường gặp. Ngoài việc trông chẳng mấy tuyệt vời, viêm nang lông có thể dẫn đến tình trạng nhọt, lở loét và các bệnh nhiễm trùng da khác. Nếu gặp phải các trường hợp như mụn trứng cá hay viêm nang lông, bác sỹ Geyer khuyên bạn nên sử dụng benzoyl peroxide (có trong sữa rửa mặt hoặc các loạt kem bôi đặc trị) để giúp làm khô lỗ chân lông và tiêu diệt vi khuẩn.
Tuy nhiên, đừng để tình trạng da liễu diễn ra rồi mới đi tìm cách điều trị. Dưới đây là 9 lời khuyên hướng dẫn bảo vệ, chăm sóc làn da sau khi luyện tập cùng các chuyên gia mang đến cho bạn đọc. Hi vọng, bên cạnh một thân hình khỏe khoắn, săn chắc, các chàng trai, cô gái cũng có thể giữ cho mình một làn da mịn màng, căng tràn sức sống.
1. Luôn luôn tắm rửa sạch sẽ sau khi tập thể dục
Chẳng phải kiến thức chăm sóc làn da chuyên sâu gì, đây có lẽ là điều cơ bản ai cũng làm mỗi khi kết thúc buổi tập của mình. Tuy vậy, theo phương diện khoa học, việc này giúp “loại bỏ đi sự tích tụ mồ hôi và dầu nhờn trên da trong suốt nhiều giờ vận động,” theo bác sĩ da liễu Geyer. Nó cũng giúp loại bỏ đi các vi khuẩn mà bạn có thể vô tình tiếp xúc phải khi sử dụng các máy tập.
Không chỉ sạch sẽ, việc tắm sẽ giúp cải thiện tình trạng mùi cơ thể cá nhân. “Đôi khi không phải mồ hôi là nguyên nhân gây ra mùi cơ thể mà chính là vi khuẩn”, Geyer chia sẻ thêm. Hãy mang theo sữa tắm và sữa rửa mặt thay vì sử dụng đồ có sẵn, vì chưa chắc chúng đã có thành phần kháng khuẩn tốt. Điều này cực kỳ quan trọng nếu bạn sở hữu làn da dễ bị mụn. Hãy chọn cho mình sữa tắm có chứa thành phần kháng khuẩn như acid salicilic hay benzoyl peroxide.
2. Sử dụng giấy lau người để làm sạch cơ thể
Trên thực tế, đôi khi vì lý do cá nhân bạn chẳng thể nào tắm ngay khi vừa tập thể dục xong được, hãy dùng các sản phẩm giấy lau người (body wipes) để lau sạch phần mồ hôi trước khi rời phòng gym. Việc để mồ hôi tự khô trên cơ thể sẽ khiến vi khuẩn hình thành và phát triển trên da và dưới lỗ chân lông, gây tình trạng mụn nhọt và viêm nang lông.
Hãy sử dụng giấy lau người để làm sạch những khu vực như ngực và nách. Các sản phẩm này thường chứa các thành phần thân thiện với làn da, giúp làm sạch, bảo vệ và chăm sóc làn da. Tuy nhiên, nó không thể thay thế được việc tắm gội hàng ngày của cá nhân.
3. Nước nóng không phải lựa chọn tốt nhất để chăm sóc làn da
Nước nóng có thể giúp bạn cảm thấy sảng khoái, nhưng chúng tuyệt nhiên không phải là “liều thuốc bổ” cho làn da. Nước nóng có thể khiến do làn da bị khô từ đó dẫn đến hiện tượng ngứa, theo tiến sĩ Geyer. Và nếu bạn chà xát làn da quá nhiều sẽ khiến vi khuẩn và nấm men dễ dàng xâm nhập hơn bao giờ hết. Điều này đặc biệt xấu khi đặt trong môi trường ẩm ướt của phòng gym.
Làn da tổn thương có thể khiến cơ thể dễ bị phát ban, kích ứng và nhiễm trùng hơn. Hãy chăm sóc làn da bằng việc tắm bằng nước ấm hoặc nước mát, đặc biệt là khi bạn sở hữu gốc da nhạy cảm.
4. Sử dụng sản phẩm chăm sóc làn da phù hợp
Tương tự như những lý do trên, sản phẩm chăm sóc làn da của bạn nên thực hiện được hai chức năng chính: giúp làm sạch, không làm khô da và kháng khuẩn. Đồng thời, tiến sĩ Geyer cũng khuyên bạn nên chọn loại sản phẩm chuyên dụng phù hợp cho đặc trưng làn da để có thể tối ưu hóa công dụng của sản phẩm.
Hãy sử dụng sản phẩm rửa mặt dạng gel nếu da bạn dễ bị mụn; sản phẩm rửa mặt dạng sữa nếu bạn có làn da nhạy cảm. Đồng thời sử dụng kem dưỡng ẩm dạng nhẹ – với tác dụng chính là cấp nước là chủ yếu – cho làn da dầu; và kem dưỡng ẩm dạng đặc cho làn da khô đặc trưng.
5. Luôn luôn giặt sạch quần áo và khăn lau người
Không chỉ trên làn da, vi khuẩn còn sinh sôi trên chính những bộ quần áo thể dục và khăn lau của bạn. “Việc mặc lại đồ thể dục tạo môi trường phát triển cực mạnh cho vi khuẩn vốn có sẵn trong quần áo thấm đẫm mồ hôi từ lần tập trước”, tiến sĩ Geyer nói.
Tương tự với khăn. Nếu bạn không tin tưởng vào độ sạch sẽ của những chiếc khăn tại phòng tập, hãy mang khăn cá nhân cho mình và đảm bảo rằng, chúng phải luôn được giặt sạch sẽ.
6. Chuẩn bị vài chiếc khăn cho một buổi tập
Tiến sĩ Geyer cho biết, nếu lót một chiếc khăn xuống thiết bị trước khi sử dụng sẽ giúp giảm thiểu tiếp xúc với vi khuẩn từ những người sử dụng trước. Nhưng một là không đủ. Hãy chuẩn bị thêm một chiếc khăn nữa để lau mồ hôi trên mặt. Việc sử dụng khăn sạch để lau mồ hôi trên mặt sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng lây nhiễm chéo cũng như sự lây lan vi khuẩn từ các bộ phận khác trên cơ thể.
7. Lau sạch các máy tập trước và sau sử dụng
Các phòng gym hiện đại ngày nay thường cung cấp khăn lau để vệ sinh các máy tập, nhưng nếu nơi bạn tập không có, hãy dùng khăn phụ của mình để lau các thiết bị trước khi sử dụng chúng. Việc quên không làm sạch các thiết bị sẽ ”tạo cầu nối cho vi khuẩn nhanh chóng lây lan từ máy tập sang cơ thể bạn”.
8. Đeo dép khi đi lại trong phòng thay đồ
“Nấm có mặt ở khắp mọi nơi”, bác sĩ da liễu Geyer nói. Một lý do lớn cho tình trạng nấm chân đó là: sàn gạch, thường sử dụng ở các phòng thay đồ. Sàn gạch có thể chứa một lượng lớn vi khuẩn và nấm được tích tụ suốt thời gian dài. Việc đi chân đất có thể dẫn đến bệnh nấm chân, từ đó lây lan ra khắp cơ thể, và có thể là cả khuôn mặt nữa.
“Nấm thường xuất hiện ở những khu vực ẩm ướt trên da, nhưng chẳng phải lúc nào chúng cũng chỉ ở cố định tại đó.” Cách tốt nhất để ngăn ngừa vi khuẩn nấm đó là luôn đeo dép hoặc sandals trog phòng thay đồ. Chạm vào sàn nhà bằng chân trần có thể dễ dàng khiến bạn bị nhiễm các bệnh nấm da.
9. Sản phẩm tóc có thể dẫn đến tình trạng breakout trên da
Khi bạn vận động, những sản phẩm trên tóc, đặc biệt là những sản phẩm có kết cấu nặng như sáp tạo kiểu, có thể tan chảy, theo mồ hôi chảy xuống gây bít tắc lỗ chân lông; từ đó hình thành mụn trên mặt, cổ và vai của bạn.
Để hạn chế điều này, hãy sử dụng những sản phẩm tạo kiểu/chăm sóc tóc có kết cấu nhẹ như xịt muối khoáng; hoặc không sử dụng chúng trước và trong khi tập thể dục. Đồng thời chú ý làm sạch mặt và vai kỹ càng sau khi luyện tập xong.