Hình ảnh những quý ông cuồn cuộn cơ bắp nhờ tập thể hình luôn được chị em ngưỡng mộ và anh em thèm thuồng, bởi đó là một biểu hiện của sức mạnh nam tính. Tuy nhiên, có không ít lời dèm pha rằng “tốt dây mà xấu củ”, tập lắm chỉ được cái đẹp mã chứ “chuyện ấy” thì quá tệ. Nhiều ông vì vậy mà không dám đi tập, còn các bà cũng khuyên chồng “ở nhà cho lành”.
Nỗi lo “mất giống”
Mỗi lần vợ chê bai cái bụng bia của mình, khuyên đi tập thể hình, anh Tùng, 37 tuổi, sống ở Linh Đàm, Hà Nội, lại bĩu môi: “Em đừng có thấy mấy thằng trên báo mà ham. Chúng nó tập hùng hục như thế, bao nhiêu năng lượng, bao nhiêu tinh túy dồn hết vào mấy cái cơ bắp để khoe thiên hạ rồi, còn chỗ quan trọng nhất thì liệt”. Thấy vợ bán tín bán nghi, anh tiếp: “Em không biết à? Mấy ông vô địch thể hình ở Việt Nam đều bất lực cả, vợ họ khổ không để đâu cho hết”. Vợ Tùng đem chuyện này hỏi những người khác, nhiều người gật đầu lia lịa: “Đúng đấy”. Sợ quá, chị không dám chê chồng lười vận động nữa.
Ngoài nỗi sợ yếu sinh lý, nhiều quý ông còn lo tập thể hình gây vô sinh. Xuân Cường (28 tuổi, Thạch Thất, Hà Nội), người sở hữu chiều cao 1m75, cân nặng 57kg, chia sẻ: “Nhiều khi tôi định tham gia câu lạc bộ thể hình để cải thiện sức khỏe và ngoại hình, nhưng ý định vừa nhen nhóm thì bạn bè cảnh báo tập thể hình dễ “mất giống” lắm nên lại thôi. Nghĩ cũng phải, vốn dĩ thể trạng mình đã không bằng bạn bằng bè, bày vẽ tập tành có khác nào tự hành xác. Thà ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc điều độ may ra còn vớt vát được chút đỉnh!”.
Môn thể hình bị oan
Khi được hỏi về ảnh hưởng của môn thể hình lên sức khỏe tình dục và sinh sản nam giới, bác sĩ nam khoa Nguyễn Bá Hưng, Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh sáng, khẳng định: “Không có chuyện tập thể hình gây yếu sinh lý, vô sinh. Trái lại, ngoài tác dụng thúc đẩy phát triển cơ bắp, lưu thông máu trong cơ thể, đốt cháy calo, việc tập thể thao nói chung hay thể hình nói riêng đều đặn còn giúp tránh được những trục trặc về chuyện gối chăn cho cả quý ông và quý bà”.
Lý giải về những lời đồn thổi trên, bác sĩ Hưng cho rằng, rất có thể một người vốn thể trạng không tốt, bắt đầu có biểu hiện rối loạn sinh lý nhưng vẫn theo đuổi các bài tập nặng, quá sức. Việc tập luyện không khoa học khiến các trục trặc về chăn gối nổi rõ, giống như “giọt nước làm tràn ly”, và họ đổ lỗi cho tập thể hình. Một số người tập muốn nhanh có thân hình cường tráng nên đã dùng thuốc làm tăng cơ bắp như các loại steroid chứa androgen mạnh (Trenbolon acetate), hay các β agonist (chất tạo nạc cho lợn đã bị cấm sử dụng). Các chất này nếu dùng lâu dài sẽ gây rối loạn trầm trọng về tình dục và sinh sản.
Bác sĩ Hưng khuyên, nếu thấy khả năng chăn gối bị ảnh hưởng do tập quá sức, nên giảm cường độ, thậm chí dừng tập, tăng cường năng lượng cho cơ thể bằng thức ăn giàu dưỡng chất. Dấu hiệu quá sức là: sau buổi tập, các cơ đau mỏi kéo dài, người mệt đến mức không muốn tập tiếp. Lúc này, tuyệt đối không nên ép mình tiếp tục.
Tốt nhất, khi xây dựng kế hoạch tập, nên đến gặp bác sĩ thể thao hoặc các huấn luyện viên để được tư vấn, đánh giá thể trạng, kiểm tra các vấn đề sức khoẻ, qua đó xác định đâu là ngưỡng bắt đầu phù hợp. Không nên sử dụng bất cứ loại thuốc nào để tăng cơ bắp”, bác sĩ Hưng khuyên.
Còn bác sĩ Nguyễn Văn Phú, Trưởng khoa Y học Thể thao, Bệnh viện Thể thao Việt Nam, khuyến cáo: “Khi muốn tăng chế độ tập, cần chú ý nguyên tắc 10%. Nghĩa là sau mỗi tuần, người tập có thể tăng 10% của 2 trong 3 yếu tố: cường độ, tần số và thời gian. Nếu sau một tuần luyện tập, cơ thể thích ứng được thì có thể tăng cường độ và kéo dài thời gian tập thêm 10% nhưng không được tăng tần số các buổi tập; hoặc tăng tần số và thời gian tập nhưng không tăng cường độ. Phải đặc biệt chú ý đến phản ứng của cơ thể khi tăng cường chế độ luyện tập, tránh để rơi vào tình trạng quá sức”.