Cựu chỉ huy đội đặc nhiệm SEAL, Jocko Willink giải ngũ vào năm 2010 nhưng thói quen dậy lúc 4h30 được rèn luyện trong quân đội vẫn không thay đổi, theo BI.
“Tôi tìm ra khung giờ để hoàn thành nhiều công việc cá nhân bằng cách dậy sớm hơn những người khác. Vào 4h30, mọi người vẫn còn ngủ say nên tôi có thể làm nhiều công việc mình muốn”, ông nói.
Cựu lính Mỹ tiết lộ việc tập thể dục của ông không tốn quá nhiều thời gian. Mỗi sáng, Jocko tập các bài đốt cháy toàn bộ cơ thể nhiều lần trong khoảng thời gian ngắn. Ví dụ như đi bộ và chạy nước rút hoặc đi bộ và làm bất kỳ động tác tăng cường từ 2 đến 6 phút.
Jocko cho rằng thức dậy sớm có lẽ rất khó, nhưng chuyện nào cũng có cái giá của nó. “Đến khoảng 7h tôi đã tập thể dục xong, hoàn thành một số công việc và còn có thời gian chào tạm biệt bọn trẻ trước khi chúng đến trường. Điều đó chắc chắn tốt hơn so với ngủ một mạch đến 6h45”.
Nhiều người chọn làm việc vào buổi tối thường sẽ không có hiệu suất cao. Một số khác chọn thư giãn bằng việc lướt web, xem video giải trí, đọc các câu chuyện mang tính tiêu cực. “Đừng làm thế, thay vào đó, hãy đi ngủ để thức dậy sớm”, Jocko nói.
Sau khi hình thành thói quen dậy sớm, mọi người sẽ phát hiện ra một ngày của mình có rất nhiều thời gian. Bạn có thể đọc sách, tập thể dục, thư giãn hoặc chuẩn bị tốt công việc trong ngày. Hãy chọn khung giờ nhất định và thức dậy đều đặn mỗi ngày. Không nhất thiết phải là 4h30, có thể là 5h30 hay 6h, tùy vào thời gian biểu cá nhân, Jocko chia sẻ.
Bên cạnh đó, thói quen dậy sớm giúp rèn luyện tính kỷ luật cho bản thân. Thoát khỏi chiếc chăn ấm khi buồn ngủ có thể xem như một phương pháp huấn luyện ý chí.
Các chuyên gia sức khỏe đều khuyến khích mọi người dậy sớm để tăng cường sức khỏe não bộ, giảm nguy cơ trầm cảm và làm việc hiệu quả hơn.