Bà Phạm Vân Thanh (56 tuổi, ở Hà Nội) là bệnh nhân đầu tiên được ghép gan thành công từ người cho sống tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Người cho gan là cậu con trai 26 tuổi.
Trước đó, bà Thanh bị phát hiện xơ gan mật và có chỉ định ghép gan. Ngày 16-3, chia sẻ về tình trạng sức khoẻ sau ghép gan, bà Thanh cho biết cuộc sống sinh hoạt của bà tốt hơn rất nhiều sau 4 tháng 8 ngày được nhận gan từ người con trai 26 tuổi là Nguyễn Trung Quân.
“Ngay từ khi bác sĩ chỉ định tôi phải ghép gan thì con trai tôi đã “đòi” được cho gan mẹ, mặc dù thời điểm có 3 người anh chị ruột tôi cũng đồng ý hiến gan cho tôi.
Lúc đó, tôi cũng trăn trở rất nhiều bởi con mình tuổi đời còn trẻ, lại chưa lập gia đình, việc cho mẹ 2/3 lá gan có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ và cuộc sống của con.
Thế nhưng con trai quyết tâm “chỉ con hiến gan cho mẹ mới là phù hợp nhất”, tôi đã nhận gan từ chính con trai mình”- bà Thanh chia sẻ.
Theo bà Thanh, cách đây hơn 10 năm, khi đó Quân mới 12 tuổi nhưng thấy bố bị suy thận cần ghép thận, Quân đã nói với bố rằng “con sẽ hiến thận cho bố”.
Nói về sức khoẻ của mình, Nguyễn Trung Quân cho biết sức khỏe, cân nặng của mình vẫn “tròn trịa” và ổn định sau khi tặng mẹ 2/3 lá gan. Anh vẫn bơi lội, chạy bộ, tập gym bình thường.
Quân cho biết mới đây, khi có bạn gái, anh cũng chia sẻ việc mình hiến gan cho mẹ và nhận được sự ủng hộ từ bạn gái. Quân hiện đang làm việc cho một công ty nước ngoài.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh nhân Phạm Vân Thanh là trường hợp ghép gan từ người cho sống đầu tiên của bệnh viện. Các bác sĩ đã lấy lá gan phải của người con trai (chiếm 2/3 lá gan) để ghép cho người mẹ.
Sau ghép, các chỉ số sinh hoá của người cho và người nhận đều ổn định. Với người cho gan, sau khi cắt gan thì mô gan còn lại sẽ tăng cường phát triển tế bào để bù đắp vào khối lượng gan đã bị mất đi, có thể coi là mô gan “mọc” trở lại một phần. Với người trẻ tuổi sự phục hồi này sẽ nhanh hơn.