Hai vợ chồng đều 62 tuổi, là người Mỹ gốc Việt, hiện kinh doanh tại ban Carolina, Mỹ. Cả hai gắn bó với nhau đến nay đã 29 năm, có hai con trai, hai con gái, ba cháu nội, sống hạnh phúc bên nhau. Họ đều có vẻ ngoài trẻ trung, khỏe khoắn dù đã ngoài lục tuần.
Ngày 9/3 hai vợ chồng khởi hành đi bộ từ TP HCM đến Long Hải, hoàn thành khoảng 100 km trong một ngày rưỡi. Tuy nhiên chuyến đi bộ để lại nhiều kỷ niệm với họ hơn cả là hành trình xuyên Việt năm 2018.
Tháng 4/2017, ông Dean Nguyễn bị tai biến mạch máu não, may mắn điều trị kịp thời nên thoát khỏi cửa tử. Vượt qua bệnh tật, ông mới nhận ra cuộc sống vô thường và mong muốn quãng đời còn lại ý nghĩa nên nảy sinh ý định thực hiện chuyến hành trình đi bộ xuyên Việt vào mùa xuân. Bà Katherine Nguyễn cùng con ngăn cản quyết liệt, bác sĩ thông báo chuyến đi này có thể bệnh ông tái phát và nghiêm trọng hơn.
Ông Dean Nguyễn khi ấy nắm tay vợ: “Bà cho tôi đi, về tôi chết cũng được”. Không thể từ chối nguyện vọng của chồng, bà Katherine Nguyễn nói: “Tôi sẽ đồng hành cùng ông”.
Hành trình bắt đầu từ ngày 16/1/2018. Trước đó hai tháng, vợ chồng tích cực rèn luyện thể lực bằng cách đi bộ từ 3 đến 4 giờ trong ngày. Có những ngày trời lạnh âm độ cặp đôi cũng trang bị quần áo ấm đi để tăng cường độ bền cho hành trình 60 ngày sắp tới. Sau đó cả hai về Hà Nội để bắt đầu chuyến xuyên Việt.
Vạch xuất phát từ Nhà hát lớn Hà Nội, nhóm đi bộ gồm 7 người tuổi từ 30 đến trên 60 theo người hướng dẫn đi bộ dọc trên quốc lộ. Ngày đầu tiên, hai vợ chồng mang cảm giác thấp thỏm vì đi ngược chiều, xe bốn bánh chạy vù vù, san sát nhau, song vài ngày sau quen dần, nỗi sợ cũng tan biến.
Cả đoàn bắt đầu khởi hành lúc 6h sáng, 12h30 nghỉ trưa, 15h tiếp tục hành trình và kết thúc 20h trong ngày.
Katherine Nguyễn kể thời điểm này miền Bắc đang vào mùa lạnh, trời mưa tầm tã, cả đoàn di chuyển khó khăn. Họ mặc áo ấm, áo mưa dày, lấy túi nilon bọc giày rồi quấn băng keo xung quanh.
“Cả đoàn mặc áo lạnh ở trong, áo mưa ở ngoài, bên trong đổ mồ hôi thấm vào người lạnh cóng, run cầm cập”, Katherine Nguyễn nhớ lại.
Ông Dean Nguyễn nhớ lại những ngày nắng nóng như thiêu đốt khi đoàn di chuyển đến Phan Rang. Cả đoàn đi vài chục cây số nhưng không một bóng nhà hay cây che mát, chân phồng rộp, da cháy nắng.
Katherine Nguyễn nhớ nhất là cả đoàn ba ngày không tắm sau khi vượt qua những con đèo, leo đá, đồi cát nóng, băng rừng, đi đường dốc. Họ dựng lều ngủ bên bãi biển và trên bè cá tại Vũng Rô, tỉnh Phú Yên.
Chuyến đi bộ xuyên Việt hai vợ chồng dừng chân tại Quảng Nam ngày 29 Tết. Tại đây, cặp đôi trải nghiệm gói bánh chưng, bánh tét và hòa cùng không khí mùa xuân trên quê hương.
Qua chuyến đi, ông Dean Nguyễn đã thực hiện được ước mơ trở về thời thơ ấu cùng lũ trẻ trong làng chơi bóng đá, bóng chuyền, tắm nước giếng, ngồi dưới ngôi trường cấp một xưa ông đã học. Vợ chồng ông ngắm bình minh ở điểm cực đông tổ quốc, tham quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và hiểu hơn văn hóa từng vùng miền.
Chuyến đi còn giúp ông Dean Nguyễn lẫn bà Katherine Nguyễn cải thiện sức khỏe, tinh thần sảng khoái. Vai ông Dean Nguyễn ngày đầu đi bị xụi xuống do di chứng tai biến, nhưng ngày đoàn đến TP HCM, vai ông dần cân bằng.
Kết thúc hành trình vào ngày 16/3/2018, nhóm đi bộ xuyên Việt đã trao số tiền gần 800 triệu đồng hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em Việt Nam. Số tiền này do nhóm kêu gọi từ những người bạn ở khắp nơi trên thế giới ủng hộ chuyến đi.
Sau chuyến đi, hai vợ chồng quyết định mỗi ngày đi 10.000 bước để cải thiện sức khỏe.
“Đi bộ 10.000 bước trung bình trong 90 phút. Tôi không nhất thiết đi buổi nào trong ngày, trong nhà hay ngoài đường. Ở Mỹ nếu trời mưa hay tuyết rơi, tôi sẽ đi tới lui trong lúc nấu ăn, lau dọn nhà cửa, miễn là cơ thể tôi hoạt động và đồng hồ vận động ghi nhận 10.000 bước”, bà Katherine Nguyễn chia sẻ.
Bà Katherine Nguyễn là đầu bếp chế biến những món ngon bổ dưỡng cho ông Dean Nguyễn. Hai vợ chồng ăn nhiều rau củ quả, hạn chế ăn mặn, chất béo, nước có ga và cồn. Ngủ đủ 8 tiếng trong ngày, khám sức khỏe định kỳ năm hai lần và du lịch để thư giãn tâm trí.
Chia sẻ về bí quyết giữ hạnh phúc gia đình, bà Katherine Nguyễn nói: “Đàn ông cần sự tôn trọng, đàn bà cần sự quan tâm”.
“Tôi thà chết với tuổi già khỏe mạnh còn hơn chết trong tuổi già bệnh tật”, ông Dean Nguyễn chia sẻ.