Ông Nam kể: “Trước đây mỗi người trong nhà tôi đều có nơi tập thể dục buổi sáng ổn định. Các cháu tập ở trường, bố mẹ chúng ở phòng gym và ông bà theo nhóm tập ở phường khóm. Khi các cháu phải nghỉ học từng đợt sau tết vì dịch, rồi dần dần các nơi tập chung cũng không còn được hoạt động, chúng tôi bàn với nhau cả nhà sẽ cùng tập để tạo sự hứng thú cho nhau… Sau vài ngày đầu tập chung, hứng thú cũng đã tạo được, nhưng thực tế thì không dễ vì nhà không có một phòng nào đủ rộng để mọi người cùng tập thoải mái.
Thế rồi phải tách ra, mỗi người tự tìm cho mình khoảng không gian thích hợp nhất trong nhà. Quan trọng nhất là nếp tập đều đặn mỗi buổi sáng được mọi người duy trì tốt cho đến nay”.
Dậy sớm nhất nhà, ông Nam uống một ly nước rồi ra ban công khởi động, chạy cầu thang bộ, dùng dây thể thao thực hiện các động tác ở tay chân, vai, cổ… rồi chạy bộ tại chỗ. Bà Nam thì chọn một góc nhà, đem gậy tập và điện thoại có ghi âm bài tập lâu nay vẫn áp dụng để tập theo nhạc. Trong bài tập hai cháu nhỏ có kết hợp với các động tác mà thầy cô đã cho tập ở trường; cha mẹ các cháu thì kết hợp với một số dụng cụ tập thêm…
Không chỉ được về mặt sức khỏe, tổ ấm nhà ông Nam còn bất ngờ được “hưởng lợi” so với tâm trạng ít nhiều âu lo ban đầu khi dịch mới xuất hiện. Nhờ cùng rèn luyện, gia đình ông thêm gắn kết trong nhiều việc khác. Ông tâm sự: “Dịch bệnh trong nước hiện chuyển sang giai đoạn lây lan nhanh trong cộng đồng, buộc lòng nhân viên các cơ quan như hai con của tôi đều phải chuyển qua làm việc trực tuyến ở nhà với nhiều sắp xếp lại cũng có khó khăn mới. Tuy vậy, theo hướng suy nghĩ tích cực, tôi xem đây là cơ hội để các thế hệ trong gia đình gắn bó, giúp đỡ nhau nhiều mặt cho cuộc sống lâu dài”.