Theo nhiều nghiên cứu khoa học, xương của một người phát triển với tốc độ tối đa ở độ tuổi 9-17. Đến tuổi 18, có tới 90% xương trưởng thành đã được hình thành. Vì thế, cùng các giai đoạn khác, cha mẹ cần chú trọng bổ sung canxi trong giai đoạn này cho trẻ.
Các chuyên gia y tế nhận định, có 2 giai đoạn “vàng” phát triển chiều cao của trẻ. Một là từ khi trẻ được hình thành trong bụng mẹ, đến 24 tháng tuổi; hai là lứa tuổi dậy thì (từ 12 đến 18 tuổi). Ở giai đoạn dậy thì, trẻ tăng trưởng vượt bậc về cả cơ bắp, khung xương, cũng như các chức năng sinh dục.
Tốc độ tăng trưởng nhanh cả về chiều cao, cân nặng; trẻ có thể tăng khoảng 10-15 cm/năm.
Ở giai đoạn 10 tuổi, cứ mỗi năm bé gái tăng 10cm chiều cao và tăng dần đến khi đạt được 15cm/năm ở độ tuổi 12. Đỉnh tốc độ tăng trưởng của trẻ nam là 12 tuổi (10cm/năm) và đạt tối đa đến 14 tuổi (15cm/năm). Tốc độ tăng trưởng sẽ giảm dần trong khoảng 15 tuổi ở nữ giới và khoảng 17 tuổi ở nam giới.
Thời gian phát triển chiều cao mạnh nhất ở nữ giới là từ 8-17 tuổi, quyết định đến 23% chiều cao trung bình ở người trưởng thành.
Kích thước xương, khối lượng xương và mật độ chất khoáng ở mỗi xương tăng lên khoảng 4% mỗi năm tính từ giai đoạn trẻ 8 tuổi cho đến qua giai đoạn vị thành niên. Sự tích lũy nhanh chóng về khối lượng xương có liên quan đến sự tăng trưởng và phát triển chiều cao và có thể cả sự hoạt động của các hormone tăng trưởng như IGF-1, steroid sinh dục và các receptor của các hormone.
Trong giai đoạn trên, nhu cầu canxi của cơ thể cao gần gấp đôi so với giai đoạn 4-8 tuổi. Thế nhưng, phần lớn thanh thiếu niên không nhận đủ canxi từ khẩu phần ăn. Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), hầu hết bữa ăn của các gia đình Việt hiện nay thiếu canxi.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam là 1 trong 20 quốc gia có số lượng trẻ em thấp còi cao nhất thế giới. Hiện chiều cao trung bình cả hai giới của người Việt Nam chỉ đạt 1,59cm.
Có ý kiến cho rằng, người Việt Nam thấp bé, nhẹ cân là do thuộc tính di truyền. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên thế giới cho rằng, các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của con người gồm: Chế độ dinh dưỡng chiếm 32%, vận động thể dục thể thao chiếm 20%, môi trường tâm lý và xã hội chiếm 16% và yếu tố chủng tộc di truyền chiếm 23%. Như vậy, gần 70% những yếu tố ảnh hưởng lên chiều cao là các yếu tố có thể cải tạo được.
Đa dạng hoá cách bổ sung canxi
Theo ThS Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), vai trò của khẩu phần ăn rất quan trọng đối với sự phát triển cơ thể của trẻ em trong giai đoạn tăng trưởng vượt bậc trên. Các chất dinh dưỡng chính để tăng trưởng và phát triển gồm protein, sắt, canxi, vitamin A, vitamin D, iot và kẽm.
Chế độ ăn giàu canxi khi còn trẻ, không những giúp củng cố bộ xương trong hiện tại mà còn làm giảm nguy cơ loãng xương về sau. Khi còn trẻ, quá trình hình thành xương mới diễn ra nhanh hơn so với hủy xương. Do đó, trẻ cần được bổ sung canxi hợp lý để tăng mật độ xương và tăng khối lượng xương.
Cha mẹ có thể bổ sung canxi cho trẻ qua khẩu phần ăn. Cụ thể, trong chế độ ăn cho bé cần đủ năng lượng, giàu chất đạm (có nhiều trong thịt, cá, trứng, tôm, cua…) để giúp tăng trưởng và phát triển. Thực đơn hằng ngày của trẻ cũng không thể thiếu rau xanh, trái cây tươi, vì đây là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất rất tốt, góp phần giúp bộ xương cứng cáp hơn. Canxi còn có nhiều trong sữa, pho mát và sữa chua, giúp xương phát triển và chắc khỏe.
Ngoài ra, cha mẹ nên khuyến khích con tập thể dục thể thao vì thường xuyên luyện tập sẽ giúp trẻ nhanh nhẹn, khỏe mạnh, tăng cường sản sinh các hormone tăng trưởng trong cơ thể, giúp phát triển chiều cao tối đa. Có thể cho trẻ tập luyện các môn như bơi lội, bóng rổ, đu xà đơn, cầu lông, đạp xe đạp…
Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, song song với việc bổ sung canxi qua đường ăn uống, có thể cho trẻ sử dụng một số sản phẩm chứa canxi. Hiện người tiêu dùng đang có xu hướng bổ sung canxi thiên nhiên, an toàn, dễ hấp thu, không gây lắng cặn tạo sỏi, không gây táo bón cho người sử dụng.