Bastoy nằm trên một hòn đảo nhỏ và là “nhà” của 115 tù nhân. Một số tù nhân đã phạm những tội vô cùng nghiêm trọng và bạo lực, nhưng nó giống như một cộng đồng hơn là một nhà tù.
Những tù nhân sống trong các căn nhà chung với phòng ngủ và tiện nghi chung. Họ có thể mặc quần áo của mình, ghé thăm cửa hàng ở nhà tù, thư viện hoặc nhà thờ.
Vào thời gian rảnh rỗi, họ có thể đi câu cá, chơi bóng đá, hoặc tập thể hình tại các phòng gym.
Có một phòng chiếu phim và một chương trình hàng tuần về các khóa học, bài giảng, sự kiện và buổi hòa nhạc.
Thậm chí, họ còn điều hành các dịch vụ phà của hòn đảo, nhưng không ai có vẻ bị cám dỗ đi lệch lịch trình và cố gắng vượt ngục.
Nó hoàn toàn khác biệt so với các hình phạt khắc nghiệt ở các nhà tù truyền thống dành cho tội phạm.
Không ngạc nhiên khi các nhà phê bình nói rằng Bastoy giống như một trại nghỉ dưỡng hơn là một cơ sở cải huấn.
Nhưng những nhà chức trách ở Na Uy nhấn mạnh rằng cách tiếp cận nhẹ nhàng có tính hiệu quả cao hơn.
Phương pháp này hoạt động như thế nào?
Nhà tù yêu cầu một mối quan hệ tôn trọng giữa các tù nhân với nhau cũng như giữa phạm nhân với những người quản ngục. Hầu hết các nhân viên rời nhà tù vào buổi tối.
Các tù nhân được kỳ vọng sẽ tự chịu trách nhiệm cho bản thân mình. Ngoài một bữa ăn được cung cấp mỗi ngày, các tù nhân phải tự kiếm đồ ăn cho mình.
Bastoy được Na Uy gọi là một “nhà tù sinh thái”. Tù nhân làm việc hằng ngày, chăm sóc những con ngựa và cừu, giúp quản lý trang trại, hoặc chặt cây để làm nhiên liệu. Họ trải qua các chương trình đào tạo, học những kỹ năng mới để chuẩn bị cho ngày được ra tù.
Gerhard Ploeg, tư vấn cao cấp của Bộ Tư pháp Na Uy đã giải thích: “Cuộc sống bên trong nhà tù cần phải giống với cuộc sống bên ngoài đến mức tối đa mà những suy xét về vấn đề an ninh và các nguồn lực cho phép.
Sự chuyển đổi từ tù đày sang tự do càng từ từ, thì cơ hội để ngăn ngừa tái vi phạm càng cao hơn.”
Ông nói thêm: “Nhưng tù nhân phải chịu trách nhiệm về hành động của họ – quá khứ, hiện tại và tương lai.
Bên cạnh đó, chúng tôi tin rằng các cá nhân tự nguyện tránh xa việc phạm tội sẽ hiệu quả hơn việc chế độ cố gắng làm cho họ cảm thấy sợ hãi. Bạn muốn ai làm một người hàng xóm của mình hơn?”
Na Uy có tỷ lệ tái vi phạm thấp nhất ở Scandinavia. 2 năm sau khi được ra tù, chỉ 20% số tù nhân tái phạm tội.
Ngược lại, một nghiên cứu ở 29 tiểu bang ở Mỹ – Mỹ có số lượng tù nhân lớn nhất trên thế giới – cho thấy một tỷ lệ tái vi phạm cao hơn rất nhiều so với con số của quốc gia Bắc Âu.
Hơn ½ tù nhân ở Mỹ sẽ quay trở lại nhà giam trong vòng 3 năm sau khi được thả.
Na Uy có một chính sách chăm sóc liên tục, theo đó tất cả mọi người được ra tù sẽ được tiếp cận với những dịch vụ để giúp đỡ họ về nhà ở, việc làm và chăm sóc sức khỏe.
Những dịch vụ này bắt đầu trước cả khi họ được thả ra. Ví dụ, những tù nhân được cho phép làm việc ở bên ngoài 18 tháng trước khi rời nhà tù.
Một tù nhân ở Bastoy nhận xét: “Bạn được tự do, nhưng đồng thời bạn không phải là người tự do.”
Những tội phạm bạo lực
Sự thật là có một số tù nhân bị bỏ tù vì những tội danh bạo lực, nhưng họ không bắt đầu bản án của họ ở Bastoy.
Những tù nhân đó phải nộp đơn đăng ký để được đến nhà tù trên đảo này. Họ phải là những người đã thể hiện mong muốn thay đổi một cách rõ ràng trong thời gian thụ án ở những nhà tù truyền thống hơn.
Ở Na Uy không có tù chung thân. Án tù dài nhất là 21 năm, hoặc tối đa là 30 năm đối với các tội danh liên quan đến diệt chủng, tội ác chống lại nhân loại hay các tội ác chiến tranh khác. Án tù trung bình là khoảng 8 tháng.
Theo các chuyên gia, các bản án dài hơn không giúp tỷ lệ phạm tội giảm đi, và mối liên hệ giữa các hình thức trừng phạt nghiêm khắc và giảm thiểu tỷ lệ phạm tội là không rõ ràng.
Câu hỏi hiển nhiên đối với nhà tù không có những bức tường hay đội bảo vệ vũ trang là nguy cơ trốn thoát.
Vào năm 2015, một tù nhân đã làm điều đó, anh ta đã sử dụng một ván lướt sóng và một mái chèo nhỏ. Nhưng nó rất hiếm khi xảy ra. Nếu bị bắt, những tù nhân có ý định vượt ngục này sẽ không thể quay trở lại Bastoy.