Thân hình gầy gò 57 kg khiến Phạm Văn Dũng (sinh năm 1995) luôn cảm thấy tự ti.
Sau 3 năm tập luyện cùng chế độ dinh dưỡng hợp lý, 9X tăng 28 kg (từ 57 kg lên 85 kg), ngoại hình hoàn toàn thay đổi với vóc dáng vạm vỡ, săn chắc, cơ bụng 6 múi quyến rũ.
Dưới đây là chia sẻ của anh về quá trình thay đổi ngoại hình
Tôi bắt đầu tập gym khi còn là học sinh THPT. Dần dần gym trở thành một thói quen không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Sau khi vào đại học, tôi tập luyện chăm chỉ hơn nên cơ thể có sự thay đổi rõ nét. Tôi vui sướng và quyết tâm theo đuổi đến cùng.
Tập luyện đúng kỹ thuật
Theo tôi, trong quá trình tập luyện cần đặc biệt lưu ý về kĩ thuật hơn cả. Trọng lượng tạ bạn có thể nâng, đẩy chỉ giúp bạn tăng sức mạnh của cơ bắp, còn quyết định cơ bắp có thể lên đẹp, đều hay không là nhờ kĩ thuật tập của từng động tác.
Thời gian đầu, do chưa có kỹ thuật và kiến thức tốt về thể hình, tôi từng bị chấn thương và phải nghỉ thời gian dài để hồi phục. Cách tốt nhất để tránh chấn thương, bạn nên tập chậm rãi, đi từ các bước tập đơn giản, phù hợp với sức khỏe bản thân.
Tính kiên nhẫn là điều tối thiểu người tập thể hình nên có. Tập luyện không phải là quá trình có thể hoàn thành sau một đêm, vì thế bạn cần tập luyện từ từ rồi sau đó mới nâng chế độ luyện tập lên bậc cao hơn, chỉ cần kiên nhẫn, thành công sẽ nhanh chóng đến với bạn.
Bên cạnh đó, chế độ ăn, ngủ phải luôn song hành với nhau, nhất là dinh dưỡng và nghỉ ngơi. Bạn có thể tập ít nhưng nếu ăn ngủ không điều độ, thất thường, cơ thể bạn sẽ không phát triển như mong muốn.
Mỗi ngày tôi tập 2h trong thời gian xả cơ và khoảng 3,5 h khi siết cơ. Lịch tập của tôi trong 1 tuần như sau:
– Thứ 2, 5: ngực – vai – bụng trên
– Thứ 3, 6: lưng xô – tay trước – tay sau – bụng dưới
– Thứ 4, 7: đùi – eo – liên sườn
– Chủ nhật: nghỉ
Không để cơ thể thiết hụt năng lượng
Ngoài tập luyện, bạn cũng cần một chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cân, giảm mỡ tùy vào mục đích tập luyện. Tôi hạn chế tối đa chất kích thích, bia, rượu và nước ngọt có ga. Đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ.
Tôi tập trung sử dụng thức ăn nhiều đạm như thịt, trứng, sữa, rau quả và hoa quả giàu vitamin. Để tăng trọng lượng cơ thể, bạn phải cung cấp lượng calo lớn hơn lượng calo tiêu thụ trong ngày.
Bạn nên có bữa ăn nhẹ trước khi đi ngủ để cơ thể không bị thiếu năng lượng nạp vào trong lúc ngủ và bữa ăn ngay sau khi tập. Tập luyện xong cơ thể đang cạn kiệt năng lượng cần được bổ sung ngay lập tức.
Tôi không có chế độ ăn cụ thể cho từng ngày nhưng sắp xếp chúng điều độ tùy vào giờ giấc sinh hoạt của mình. Đôi khi bận học, tôi cũng không thể ăn uống như lịch mình đã đề ra. Vì vậy, trong chế độ dinh dưỡng, bạn cũng nên linh hoạt, miễn sao không để cơ thể mệt mỏi, thiếu hụt các chất.
Hãy cùng chia sẻ câu chuyện 6 múi (quá trình và kết quả tập luyện của bạn gửi về info@tapthehinh.net và nhận nhuận bút từ ad nhé