Nguyễn Văn Dũng 30 tuổi, tập gym từ năm cuối đại học “theo phong trào” với bạn bè. Giảm cân sau thời gian sốt phát ban, bố mẹ động viên Dũng tập luyện lại để cải thiện vóc dáng, tăng cân và tăng sức khỏe.
“Còn trẻ thì bỏ sức kiếm tiền, về già lại bỏ tiền mua sức. Tốt nhất là nên dung hòa mọi việc và đầu tư tập luyện để có thể làm mọi việc mà không phải nói ‘giá như hồi đó’…”, Dũng nói.
Đầu năm 2014, Dũng bắt đầu tập luyện trở lại. Trong ba tháng đầu tập luyện, anh tăng 5 kg, da hồng hào hơn. Theo anh, đây là ba tháng dễ thay đổi nhất nên người tập phải nỗ lực nhiều hơn để làm quen. Sau 6 tháng, cân nặng chững lại ở 62 kg. Khi đó, anh tự tìm hiểu thêm bài tập thể hình để tập đúng nhóm cơ, hạn chế chấn thương và ăn uống khoa học hơn.
Hai năm sau Dũng đậu kỳ thi sát hạch dành cho huấn luyện viên gym và được sang Thái Lan đào tạo để thành huấn luyện viên chuyên nghiệp. Lấy đam mê nuôi đam mê, anh kiên trì theo đuổi. Từ một người rỗng kiến thức về thể hình, Dũng trở thành vận động viên rồi là huấn luyện viên được nhiều người biết đến.
Mục tiêu ban đầu Dũng đến với gym để cải thiện hình thể, sức khỏe tốt. Càng tập càng đam mê, Dũng quyết tập luyện để trở thành vận động viên chuyên nghiệp, bài tập nặng và cường độ cao hơn, nhiều lúc mệt mỏi, tụt đường huyết. Song, với anh “cơ bắp là linh hồn còn gym là một phần cuộc sống”. Bất kể thời tiết, anh vẫn đều đặn đến phòng tập để rèn luyện
Anh thường tập 4 buổi một tuần, mỗi buổi từ 45 đến 60 phút, tập đùi hai buổi. Trước khi thi đấu, Dũng siết cơ nên tập với cường độ cao và lịch dày gấp đôi. Để trở thành vận động viên thể hình thì cơ bắp phải “càng to càng tốt”, trong đó bộ đùi chiếm đến 50% ưu thế. Đùi càng đẹp càng dễ thắng giải, anh luôn chú ý tập chân để cơ thể phát triển đều, tránh “trên to dưới nhỏ”.
Tháng 10/2016, anh giành huy chương đồng giải vô địch thể hình Hà Nội mở rộng, hạng cân 70 kg. Năm 2018, Dũng đoạt huy chương vàng đầu tiên trong sự nghiệp thể hình của mình.
Là vận động viên thể hình, Dũng cập nhật kiến thức dinh dưỡng mỗi ngày. Anh chia bữa ăn thành 5-6 bữa nhỏ. Ngoài bữa cơm chính với gia đình, anh ăn yến mạch, ức gà, ức bò, táo, chất xơ, cá, súp lơ… vào bữa phụ. Khi thi đấu, anh không ăn chung cơm với gia đình để siết cơ. Dũng cho biết hầu hết vận động viên đều biết nấu ăn để tự lên thực đơn để nấu và chăm sóc bản thân mình.
Theo anh, tăng cân thì dễ nhưng tăng cân mà cơ bắp vẫn cân đối và ngoại hình đẹp thì không đơn giản. Anh hạn chế ăn vặt, nhiều đường, dầu mỡ hay đồ ăn nhanh để không bị tăng cân quá nhiều.
“Gym không chỉ mang đến vóc dáng đẹp mà còn cải thiện sức khỏe nếu theo đuổi lâu dài”, Dũng chia sẻ.