Một ngày nghỉ hè, cậu bé Guoguo (7 tuổi) bắt đầu la khóc.
Cậu há miệng to, hét ầm ĩ, nước mắt giàn giụa và khuôn mặt nhăn nhó. Tiếng khóc chói tai của cậu vang khắp tòa nhà chung cư 6 tầng ở một ngôi làng gần Thái Nguyên, Sơn Tây, Trung Quốc.
Thế nhưng, những người hàng xóm lại không hề tỏ ra phiền toái. Đối với họ, trận khóc của Guoguo đã thành thường lệ. Họ biết rõ tại sao Guoguo nổi cơn tam bành: Cha mẹ cậu đã tịch thu chiếc điện thoại thông minh!
Theo Sixth Tone, Guoguo sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động. Mẹ cậu, Fang (35 tuổi), là một người phụ nữ ở nhà nội trợ trong khi bố cậu, Liang, là một tài xế xe tải. Guoguo có một người chị sinh đôi tên là Tangtang và một chị gái 12 tuổi tên Panpan.
Fang cho biết cặp song sinh của mình bị ám ảnh bởi điện thoại thông minh ngay cả khi chúng chưa biết đọc. Guoguo không biết cách nhập chữ, nhưng lại sử dụng tính năng nhập liệu với giọng nói khi chơi điện thoại của bố mẹ.
Tại Trung Quốc, rất nhiều phụ huynh phải đau đầu khi con trẻ quá nghiện sử dụng điện thoại thông minh hoặc thiết bị giải trí điện tử.
Trong bối cảnh chính phủ khuyến khích sinh thêm con, tình trạng nêu trên càng khiến các cặp vợ chồng trẻ phải vật lộn để đối phó.
Fang cũng không ngoại lệ. Cô cho rằng những đứa trẻ của mình đã tiếp xúc với điện thoại di động ngay khi còn là trẻ sơ sinh. “Và dần dần chúng trở nên nghiện điện thoại”, cô nói.
Cuộc chiến giữa các thời đại
Một ngày trước trận gào khóc của Guoguo, Fang đã gửi con đến nhà của cha mẹ mình để đi đám cưới. Trước khi đi, cô hứa sẽ mua cho cậu một khẩu súng đồ chơi mới và cảnh báo cha không được để Guoguo nghịch điện thoại.
Cha cô hứa sẽ đưa cháu trai đi chơi công viên và xem tivi trước khi đi ngủ.
Thế nhưng, khi thức dậy lúc 5h sáng ngày hôm sau, ông nhìn thấy Guoguo đang ngồi thu mình trên ghế sofa trong phòng khách, lướt điện thoại với vẻ mặt vô hồn và hoàn toàn không biết ông mình đang nói gì.
Bằng cách nào đó, cậu bé đã tìm cách rút điện thoại của ông ra khỏi bộ sạc, sau đó tìm ra mật khẩu.
Ông ngoại của Guoguo lấy lại điện thoại, quát lớn và hỏi cậu bé đã chơi trong bao lâu. Guoguo khi này mới giật mình, sau đó nói rằng đã ngồi chơi từ 4h sáng.
Fang và chồng đã rất tức giận khi biết chuyện. Vừa đi làm về đến nhà, Liang đã lập tức đánh vào đầu, lưng của Guoguo. Anh nhốt con vào phòng để suy nghĩ về những điều cậu đã làm, quát nạt rằng cậu sẽ không được động vào điện thoại nữa cho đến khi hoàn thành bài tập về nhà dịp nghỉ hè.
Hầu hết thành viên trong gia đình đều tin rằng chiếc điện thoại di động đã “đầu độc” Guoguo. Tại trường học, khi được hỏi về 3 điều mà mình yêu thích nhất, cậu bé đã trả lời: “Thứ nhất là chơi điện thoại và thứ hai là xem người khác chơi điện thoại”.
Cậu vắt óc suy nghĩ thêm điều thứ ba nhưng không thể đưa ra câu trả lời. Được cô giáo nhắc nhở, cậu mới miễn cưỡng nói rằng mình thích học.
Không chỉ Guoguo, người chị em song sinh của cậu, Tangtang, cũng có chung vấn đề như vậy.
Khi học mẫu giáo, Tangtang đã yêu thích những chiếc váy xếp ly, thắt bím tóc, sơn móng tay và chiếc túi sáng bóng, cô bé cũng có thể dành nửa giờ mỗi ngày để soi gương.
Chẳng bao lâu, cô bắt đầu xem ngấu nghiến những video về búp bê Barbie, đồ chơi trang trí nhà cửa và hướng dẫn làm đồ chơi trên mạng xã hội.
Ban đầu, Fang nghĩ điều này là bình thường đối với một cô gái. Tuy nhiên, sau đó cô nhận thấy Tangtang thường xuyên lấy nắp chai nước giả vờ làm phấn phủ, đứng trên hai khối gạch và tưởng tượng chúng là giày cao gót.
Fang lo lắng rằng nỗi ám ảnh về ngoại hình sẽ khiến Tangtang xao nhãng việc học. Cô nói chuyện với con gái nhưng bị bác bỏ. Tangtang khẳng định với mẹ cô muốn trở thành một beauty blogger.
Một lần sinh nhật, người họ hàng đã tặng Tangtang một món quà nhưng cô bé không vội mở nó ra. Thay vào đó, cô đã mượn điện thoại của bố để quay video đập hộp.
Vào năm nay, khi Tangtang bắt đầu học tiểu học, Fang lo lắng rằng con gái có thể phát triển sở thích hẹn hò quá sớm.
Ngay từ khi học mẫu giáo, Tangtang đã thu hút sự chú ý của nhiều cậu bé. Theo giáo viên của cô, hai cậu bé đã từng tranh nhau xem ai sẽ là người nắm tay Tangtang trong khi anh trai cô bé, Guoguo, đứng lên cổ vũ họ.
Hy sinh
Đối với thế hệ cha mẹ trẻ hiện nay tại Trung Quốc, cuộc chiến chống lại các thiết bị điện tử đã bắt đầu ngay từ khi con cái họ được sinh ra.
Các con của Fang thường được người thân tặng cho những đồ dùng như bút đọc thông minh, đồng hồ điện tử và máy tính bảng viết chữ. Nhưng ngay sau đó, những đứa trẻ không còn hứng thú với những thiết bị như vậy.
Chúng thích điện thoại và iPad hơn, nơi có những ứng dụng như BabyBus, Panda Literacy, Douyin và Kuaishou. Cùng sự kết nối Internet, chúng sẽ được giải trí, chơi game vô tận.
Trước đây, khi con gái lớn của Fang là Panpan lên 5 tuổi, cô bé đã phải đi khám vì mắt cô bé luôn đỏ.
Các bác sĩ phát hiện cô bé bị lác tương đối nặng – một chứng rối loạn mà hai mắt không thể nhìn về cùng một hướng trong một thời điểm. Fang và chồng mình choáng váng. Trong ba thế hệ, không ai trong gia đình họ bị cận thị nhưng cô con gái nhỏ của họ đã phải đeo kính.
Với quyết tâm nuôi dạy con cái mình một cách đúng đắn, Fang đã quyết định từ bỏ công việc kế toán để ở nhà làm nội trợ, theo dõi sát sao các con mình.
Hành động
Để giúp các con thoát khỏi việc nghiện ngập điện thoại, Fang đã cố gắng đưa chúng đi chơi, thậm chí còn dạy con dùng điện thoại phục vụ việc học hành.
Tuy vậy, cho đến nay, các hành động của Fang đều không mang lại kết quả. Ngược lại, những nỗ lực đó chỉ làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa cô và các con.
Fang nhớ lại một lần khi cô đang nấu bữa tối thì Guoguo giật điện thoại từ người em song sinh của mình. Một cuộc chiến xảy ra sau đó và cả hai bắt đầu khóc toáng.
Một lần khác, Fang xem bài tập của các con và nhận ra chúng đã viết ít hơn 10 từ trong một giờ. Cùng lúc đó, Panpan, con gái lớn của cô, đã đóng sập cửa phòng và không muốn nói chuyện với mẹ. Còn Liang, chồng cô, vừa đi làm về đã lăn ra ngủ say.
Sau khi xử lý cặp song sinh, Fang quay trở lại bếp và nhận thấy nồi cơm đã cháy.
Mặc dù là một bà mẹ toàn thời gian, Fang vẫn điều hành cửa hàng online trên WeChat, kiếm 2.000-3.000 nhân dân tệ mỗi tháng để giúp đỡ gia đình. Cô cũng dành trọn tâm huyết chăm lo việc nhà và nề nếp gia đình.
Nhưng đêm đó, nỗi tuyệt vọng ập đến với Fang. Cô suy sụp và nói: “Giờ đây tôi đã hiểu tại sao một số phụ nữ lại nhảy khỏi tòa nhà với con của họ”.
Cho và nhận
Nhận thấy việc cách ly hoàn toàn con cái khỏi điện thoại là rất khó khăn, Fang đã thử biến điện thoại thành một công cụ để kỷ luật.
Giải pháp này tác động nhiều nhất đến Guoguo.
Cậu bé từng nhảy nhót và làm hỏng một chiếc ghế sofa ở nhà, đập vỡ bể cá và thậm chí là đi trêu chó khiến bị cắn. Cậu cũng la khóc và không chịu hợp tác uống thuốc. Thế nhưng, khi được bảo rằng có thể chơi điện thoại, cậu ngay lập tức trở nên ngoan ngoãn.
Tangtang cũng vậy. Fang cho biết cô bé thường xuyên xao nhãng trong khi làm bài tập, nhưng đột nhiên sẽ rất tập trung và nhanh chóng hoàn thành công việc của mình khi được hứa xem phim hoạt hình 10 phút.
Panpan là đứa con duy nhất của Fang được tự do sử dụng điện thoại bởi cô bé đã học lớp 6, cần thiết bị để tham gia các lớp học trực tuyến và nộp bài tập.
Theo Fang, Panpan sử dụng điện thoại để tra từ điển, đặt báo thức hoặc tính toán. Đối với Fang, Panpan là một học sinh gương mẫu, điểm của con thuộc hàng cao trong lớp học.
Giữa nhiều rắc rối của mình, Fang vẫn cảm thấy hạnh phúc khi được nghe các con nói lớn: “Con yêu mẹ”. Cô cũng nhận ra dù các con của mình không chăm học, nhưng điểm số của chúng không quá tệ.
Thậm chí, Fang cảm thấy thói quen sử dụng điện thoại của Guoguo không hoàn toàn tiêu cực. Cậu bé thích xem các video về phim ảnh, đặc biệt là các phim siêu anh hùng và khoa học viễn tưởng. Cậu có thể kể lại mọi chi tiết trong phim mà không bỏ sót một điểm nào.
Người dì đã gợi ý Fang đăng ký cho Guoguo tham gia một lớp học nói, tin rằng cậu bé có thể trở thành người dẫn chương trình hoặc một nghề nghiệp tương tự trong tương lai.
Trước sự ngạc nhiên của mẹ, Guoguo đã thể hiện sự tập trung hiếm hoi trong khi nói trước đám đông. Vài tháng trước, cậu bé còn tham gia diễn xuất tại một sự kiện của trường.
Khi được hỏi liệu Fang có thể kiểm soát cơn nghiện điện thoại của các con mình hay không, cô ấy nói rằng cô ấy đã từng cảm thấy bất lực.
“Nhưng đến cuối cùng, nhu cầu chủ yếu của các con tôi chính là tình cảm. Nếu cha mẹ ít quan tâm, điện thoại chính là nguồn hạnh phúc rẻ tiền mà chúng có thể bám lấy”, chị chia sẻ trên Sixth Tone.