Bệnh gout xảy ra khi tình trạng nồng độ axit uric tăng cao trong cơ thể dẫn đến sự hình thành các tinh thể axit uric trong khớp. Axit uric sinh ra từ nhân purin, một hợp chất có trong mọi tế bào của cơ thể và một số thực phẩm. Hàm lượng purine dư thừa dẫn tới tăng axit uric máu, từ đó gây ra các cơn đau nhức và sưng viêm đột ngột.
Theo Very Well Health, bên cạnh việc dùng thuốc để hạn chế các cơn gout cấp, người bệnh gout cần tuân thủ theo chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế các thực phẩm chứa hàm lượng purine cao. Thịt gà là một trong những thực phẩm người bệnh gout nên bổ sung.
Thịt gà không ướp gia vị rất giàu protein, ít natri, đường và không chứa tinh bột. Ngoài ra loại thực phẩm này còn chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu cần thiết cho quá trình trao đổi chất như chất chống oxy hóa, vitamin nhóm B, selen và phốt pho.
Không giống như thịt đỏ, thịt gà đặc biệt là ức gà không xương, không da là món ăn không thể thiếu đối với người đang muốn giảm cân. Người bệnh gout có thể ăn thịt gà tùy theo giá trị dinh dưỡng và hàm lượng purine giữa các bộ phận như ức, đùi và cánh gà.
Theo Hiệp hội Dinh dưỡng Mỹ, thực phẩm giàu purin có tổng hàm lượng purin từ 150-1000 mg/100g. Ở thịt gà, gan chứa purin cao nhất (300 mg) và mông thấp nhất (68,8 mg), chân và cánh gà lần lượt là 122,9 mg và 137,5 mg.
Khi chế biến, nên loại bỏ phần da vì có chứa purin và chất béo không lành mạnh. Một số nghiên cứu cho thấy khi rửa thịt gà và nấu trong nước có thể làm giảm bớt hàm lượng purin. Các món thịt gà chế biến bằng nhiệt ẩm như đun sôi tốt hơn nhiệt khô (nướng) hay chiên, kho.
Người bị bệnh gout nên tránh rượu, bia, chất kích thích, sữa giàu chất béo, mỡ động vật, các món súp từ thịt hoặc nước hầm gà, các loại dầu, nước sốt, gia vị,…