Nguyễn Thụy Thanh Huyền 21 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học, ra trường đi làm, thời gian nghỉ ngơi và ăn uống không điều độ. Cô tăng cân mất kiểm soát, lên 60 kg.
“Tôi luôn có cảm giác mệt mỏi, mất sức, huyết áp không ổn định nên quyết tâm giảm cân”, Huyền nói.
Huyền tự tìm những kiến thức căn bản về giảm cân, tự tổ chức lịch tập gym phù hợp với bản thân. Cô nghiêm túc tập 4-5 ngày trong tuần, mỗi ngày luyện ít nhất hai giờ với tạ và 45 phút cho những bài cường độ cao ngắt quãng. Trong vòng ba tháng Huyền giảm 12 kg, thân hình trở nên săn chắc với số đo ba vòng 85-67-98 cm.
Lịch tập trong tuần của Huyền
Thứ 2: Lưng – cardio
Thứ 3: Mông – bụng
Thứ 4: Vai – cardio
Thứ 5: Chân – bụng
Thứ 6: Tay – cardio
Khi mới bắt đầu giảm cân, Huyền học cách tính toán thực đơn để dùng chế độ ăn đốt mỡ nhanh chóng. Dinh dưỡng trong thực đơn tập luyện của cô gồm có tinh bột (cơm, gạo lứt, khoai lang, yến mạch…), chất béo (mỡ cá, mỡ thực vật, các loại đậu, bơ, bí đỏ…), xơ (rau, củ, quả…), đạm (thịt bò, thịt gà, cá…). Hạn chế ăn vặt, nước ngọt, nước có ga, mỡ động vật (riêng mỡ cá rất tốt), da gà, da heo. Cô ăn các loại trái cây trừ sầu riêng, mít.
Theo kinh nghiệm bản thân, Huyền cho rằng muốn giảm cân không nhất thiết phải cắt ăn tinh bột, mà nên chọn loại cơ thể có thể hấp thu chậm như khoai lang, gạo lứt, yến mạch… Cơ thể hàng ngày cần được cung cấp đủ ba nhóm dưỡng chất là đường, đạm, béo. Nếu chế độ ăn cắt giảm hoàn toàn tinh bột thì cơ thể sẽ mất đi một nguồn năng lượng lớn, dễ gây hoa mắt, chóng mặt, hạ đường huyết.
Cô gái khuyên không nên ăn kiêng quá đà mà phải trang bị một số kiến thức về dinh dưỡng cũng như tập luyện khoa học. Thay đổi những thói quen không tốt hằng ngày như thức khuya, dậy trễ, ăn uống không điều độ, ăn vặt nhiều.