Nhịn quá nhiều hay ăn quá nhiều đều làm phản tác dụng của phương pháp nhịn ăn gián đoạn, có thể kéo theo nhiều hệ lụy sức khỏe.
Nhịn ăn gián đoạn là một trong những phương pháp cải thiện vóc dáng phổ biến gần đây, có nhiều phiên bản như nhịn 16 tiếng ăn trong 8 tiếng, nhịn 20 tiếng ăn trong 4 tiếng, ăn – nhịn cách ngày…
Theo Kenny – chuyên gia dinh dưỡng thể thao có chứng nhận của NASM, những phiên bản nhịn ăn gián đoạn này đều có ưu – nhược điểm nhất định. Dù áp dụng cách nào bạn cũng nên tìm hiểu kỹ, tránh mắc phải những sai lầm cơ bản sau đây:
1. Ăn nhiều trong khung giờ ăn
Vào những khung giờ hay những ngày được phép ăn bình thường khi áp dụng phương pháp nhịn ăn gián đoạn, bạn không nên quá xả láng để bù lại lượng calo đã bỏ qua. Mục đích cuối cùng của nhịn ăn gián đoạn vẫn là tạo ra sự thâm hụt calo, tức calo nạp vào ít hơn calo đốt cháy để giảm cân.
Do đó, bạn cũng không nên ăn quá nhiều trong khoảng thời gian 8 tiếng và vẫn cần theo đuổi một thực đơn lành mạnh, đảm bảo calo nạp vào ít hơn calo đốt cháy. Thay vì ăn một bữa to, hãy chia nhỏ thành 2-3 bữa trong khoảng thời gian được ăn nhằm giảm gánh nặng cho cơ thể.
2. Nhịn ăn kéo dài ngay từ lần đầu
Nhịn ăn gián đoạn nhằm mục đích cho cơ thể có đủ thời gian để tiêu hóa, chuyển hóa năng lượng, buộc phải đốt cháy mỡ thừa đồng thời kích hoạt cơ chế tự sửa chữa tổn thương. Nhiều người nhìn vào ưu điểm này mà ngay từ đầu đã chọn phiên bản nhịn trong nhiều giờ, cố gắng nhịn càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, lúc này cơ thể chưa có thời gian thích nghi, rất khó để nhịn trong khoảng thời gian quá dài hoặc dễ khiến bạn thấy uể oải, không đủ sức làm việc, dẫn đến tâm lý muốn bỏ cuộc. Tốt nhất, nên bắt đầu nhịn trong khoảng 12 tiếng và tăng dần thời gian để cơ thể làm quen và dễ thích nghi hơn.
3. Vẫn ăn trong lúc nhịn
Quy tắc của khung giờ nhịn ăn là cắt bỏ hoàn toàn thực phẩm, chỉ uống nước lọc, trà hoặc cà phê. Tuy nhiên, một số người “tự lừa” bản thân rằng vẫn có thể uống nhiều món khác như sữa, cà phê sữa, nước ép hoa quả… Những thức uống này vẫn chứa hàm lượng đường và calo nhất định nên không hề đưa cơ thể vào chế độ đói. Nếu muốn duy trì được khung thời gian nhịn, tốt nhận bạn nên thiết lập một chế độ dinh dưỡng cân bằng trong khung giờ ăn, nhờ đó có thể kiểm soát việc thèm ăn tốt hơn.
4. Nghiện nhịn ăn
Sau khi đã làm quen được với việc nhịn ăn, có một số người trở nên “nghiện” và thích kéo dài thời gian nhịn ăn một cách vô tội vạ. Tuy nhiên, việc này sẽ tương tự như bỏ đói cơ thể, nhịn ăn một cách tiêu cực và kéo theo nhiều hệ lụy sức khỏe, làm trì trệ tốc độ trao đổi chất, đưa cơ thể vào chế độ sinh tồn, khiến tích mỡ nhiều hơn.
Theo Ngôi Sao