Cho dù bạn là một vận động viên chuyên nghiệp hay có nhu cầu tập để giải tỏa stress và rèn luyện sức khỏe, chạy bộ là môn thể thao có khả năng thúc đẩy mọi hệ thống sinh lý trong cơ thể lên mức tối đa. Kể cả với vận động viên giỏi nhất, chạy full marathon (42 km) cũng khiến họ đau nhức từ đầu tới chân. Toàn bộ cơ thể trải qua những thay đổi đáng kể để thích ứng với nhu cầu của hệ trao đổi chất, điều nhiệt… khi chạy ở cự ly này.
Ở vạch xuất phát
Khi bạn hồi hội chờ đợi hiệu lệnh cuộc đua, hormone adrenaline tăng nhanh khiến nhịp tim dần dồn dập. Bộ não bắt đầu gửi tín hiệu đến phổi để tăng nhịp thở.
Từ các bước chạy đầu tiên, tất cả hệ thống hỗ trợ vật lý của cơ thể như cơ xương, tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, hệ miễn dịch, thần kinh và nội tiết sẽ nhanh chóng rơi vào trạng thái quá tải. Khi chạy, tim sẽ phải bơm máu đi khắp cơ thể một lượng gấp 3 lần so với khi nghỉ ngơi. Máu được bơm từ tim sẽ chuyển đến cơ bắp nhiều hơn so với gan, thận hay lá lách.
Hô hấp và tỏa nhiệt
Lượng nhiệt phát ra từ cơ thể sẽ tăng gấp 30 đến 40 trong suốt cuộc đua marathon. Để giữ nhiệt độ toàn thân luôn ổn định trong khoảng 36 đến 38 độ C, một phần máu sẽ được vận chuyển từ cơ bắp đến da, thông qua tuyến mồ hôi, thoát nhiệt ra bên ngoài để làm mát cơ thể.
Trong suốt chặng, bạn sẽ mất từ 3 đến 6 lít mồ hôi. Nếu không bù nước kịp thời, người chạy rất dễ rơi vào tình trạng mất nước. Cơ thể sẽ phải chọn lựa giữa việc vận chuyển máu về tim phục vụ cho sự vận động của các cơ bắt hoặc cung cấp máu cho hệ thống mao mạch dưới da, vận hành hệ thống làm mát cơ thể. Dù bằng cách nào, thành tích chạy của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng xấu.
Trong trường hợp không kịp thời bù nước, cơ thể sẽ không thể thoát nhiệt, lượng máu lưu thông giảm khiến nhịp tim tăng nhanh dù nhịp thở không thay đổi. Hiện tượng mất nước có thể xảy ra nhanh hơn, dẫn đến nguy cơ mất sức sớm, đặc biệt trong trường hợp ngày đua thời tiết ấm hoặc độ ẩm tăng cao hơn so với bình thường.
Hạ đường huyết
Phần lớn năng lượng trong cơ thể có được là nhờ quá trình đốt cháy glucose và chất béo. Trong đó, đốt cháy glucose được ưu tiên. Tuy nhiên, con người chỉ có thể lưu trữ 2.000 calo từ glucose trong cơ thể, ít hơn rất nhiều so với 700.000 đến 100.000 calo từ chất béo.
Thông thường, các runner đốt cháy 100 calo từ glucose sau mỗi 2km của cuộc đua. Điều đó có nghĩa là toàn bộ năng lượng từ glucose sẽ cạn kiệt khi đến mốc 32km, buộc cơ thể phải phụ thuộc vào năng lượng từ chất béo để hoạt động.
Tuy nhiên, trong cùng một khoảng thời gian, chất béo cung cấp ít năng lượng hơn so với glucose. Vì thế bạn chạy chậm dần lại. Đây chính là lúc bạn đối mặt với vật cản lớn nhất trên đường đua: nguy cơ bị hạ đường huyết khi lượng đường trong máu tụt xuống mức rất thấp. Để tránh tình trạng này, vận động viên thường uống đồ uống thể thao hoặc ăn gel có đường trong suốt cuộc đua nhằm duy trì đường huyết.
40.000 bước
Bạn sẽ chạy khoảng 40.000 bước trong suốt chặng full marathon, mỗi lần chân chạm đất, một lực lớn sẽ tác động lên các cơ và khớp khiến bạn dần cảm nhận những cơn đau ở đùi cũng như bắp chân. Một số vận động viên cũng bị đau ở cẳng tay, vai và lưng trên.
Tuy nhiên đừng suy nghĩ nhiều về điều đó. Đau nhức cơ bắp là điều hoàn toàn bình thường trong các cuộc đua marathon và sẽ khỏi trong vòng một tuần sau đó.
Hệ miễn dịch của cơ thể có thể yếu đi một vài tháng sau khi bạn hoàn thành giải full marathon, cơ thể dễ nhiễm trùng hoặc bị cảm lạnh. Chức năng thận cũng có thể kém hơn do lượng máu chảy qua thận giảm trong khi bạn chạy 42km. Một số người chạy không chuyên có thể cảm thấy chức năng tim yếu đôi chút. Tuy nhiên, những ảnh hưởng này chỉ xảy ra tạm thời và biến mất sau vài ba tháng.
Cuối cùng, dù thế nào, khi vượt qua vạch đích, hoàn thành một giải full marathon vẫn là một thành công mà không phải ai cũng được trải nghiệm. Những cơn đau nhức sau cuộc đua sẽ nhanh chóng qua đi, để lại cuối cùng là cảm giác vui sướng tột độ khi vượt qua giới hạn của cơ thể.