Bạn có nghĩ rằng trong danh sách của bạn có bất kỳ “điều” gì mà từ năm này sang năm khác, tháng này qua tháng nọ bạn rất muốn làm nhưng chưa bao giờ bạn thực hiện được không?
Bạn có đang theo đuổi một nhiệm vụ thực sự quá sức không?
Hay có thể là một thói quen đơn giản hàng ngày mà bạn biết sẽ hoàn toàn xoay chuyển cuộc sống của bạn nếu bạn có thời gian?
Hầu hết chúng ta hi vọng rằng năm nay:
– Mình sẽ dọn dẹp bàn làm việc, nhà để xe, hoặc tủ quần áo;
– Tập thể dục hằng ngày;
– Nấu một bữa ăn lành mạnh thay vì cứ ăn đồ ăn tiện lợi;
– Tìm một công việc mới;
– Viết tiểu thuyết, viết blog thường xuyên hoặc nếu không thì làm gì đó để tạo ra giá trị.
Đây đều là những kiểu mục tiêu có vẻ đòi hỏi nhiều thời gian để hoàn thành nên chúng ta không bao giờ thực sự cảm thấy mình có thể bắt đầu.
Đây không phải là chuyện “được ăn cả ngã về không”
Nếu bỏ đi cái suy nghĩ “được ăn cả ngã về không” qua một bên và chỉ đơn giản là bắt tay vào hành động, bạn sẽ học được một vài bài học quan trọng.
1. Bắt đầu là một điều khó khăn. Hãy bắt đầu với bước nhỏ nhất bạn có thể nghĩ ra.
2. Phải thực hiện bước thứ nhất thì mới có bước thứ hai.
3. Đôi khi công việc không mất nhiều thời gian như chúng ta nghĩ. Nhưng đôi khi chúng mất nhiều thời gian hơn. Chúng ta sẽ không biết được nếu không bắt đầu.
4. Một số điều mà thoạt nhìn có vẻ là mất thời gian những thực ra nó tiết kiệm thời gian hơn: Nấu ăn mất ít thời gian hơn lái xe vòng vòng tìm quán. Dọn dẹp tủ quần áo vào Chủ nhật cho phép chúng ta nhanh chóng mọi chuyện cho những ngày tiếp theo. Hoặc cuối cùng chúng ta cũng có được thời gian để tập thể dục mỗi ngày và nhận ra sau một vài tuần chúng ta có nhiều năng lượng hơn, và rồi chúng ta tiết kiệm được nhiều thời gian hơn.
5. Đôi khi làm chút gì đó (đi bộ trong 10 phút) còn tốt hơn là không làm gì.
20 phút để đạt được mục tiêu
Tôi mời bạn thử làm như sau: Chọn một mục tiêu quan trọng đối với bạn nhưng bạn thấy khó khăn, tốn thời gian hoặc khó bắt đầu. Ví dụ, giả sử bạn muốn nấu một bữa tối lành mạnh nhiều ngày trong tuần.
Xác định một hoặc hai việc nhỏ mà bạn có thể thực hiện để tiếp tục mục tiêu lớn của mình. Trong ví dụ trên, chúng ta nên tìm một vài công thức nấu ăn để thử và ghi ra một danh sách các thành phần.
Sau đó, dùng chế độ hẹn giờ trên điện thoại, đặt thời gian trong vòng 20 phút (hoặc khoảng thời gian phù hợp với nhiệm vụ của bạn). Đây không phải là một khoảng thời gian quá dài đến mức tôi không thể chịu đựng được, và đây cũng là khoảng thời gian đủ để làm một công việc hiệu quả.
Tiếp theo, làm việc ngay và hoàn toàn tập trung trong 20 phút.
Khi hết giờ, hãy nhìn xem bạn đã hoàn thành bao nhiêu trong khoảng thời gian ngắn đó. Và nếu bạn cảm thấy muốn làm tiếp, hãy tiếp tục đặt thời gian, làm tiếp những gì bạn đã làm trước đó.
Hoặc nếu bạn muốn dừng lại, hãy chắc chắn rằng bạn tạm dừng một lát thôi và ghi lại những gì bạn đã làm được trong thời gian ngắn ấy.
Có còn hơn không
Trong vài phút, bạn có thể:
– Lên thực đơn lành mạnh cho cả tuần, hoặc nấu những món ăn đơn giản với những thứ có sẵn.
– Đi bộ, hoặc tập 5 bài tập với tạ tay.
– Dọn dẹp bàn làm việc, hoặc tủ quần áo.
– Cập nhật sơ yếu lý lịch hoặc gửi email cho 3 đối tác ở nơi làm việc.
Ví dụ, bài viết này đã được bắt đầu và hoàn thành bằng cách sử dụng chiến lược hẹn giờ. Phải mất 20 phút để tôi lên ý tưởng, và 40 phút nữa để định hình và sắp xếp nội dung. Sau đó tôi dành 3 lần 20 phút để chỉnh sửa và định dạng.
Hầu hết các cột mốc công việc của tôi mất nhiều hơn 2 giờ để hoàn thành. Nhưng sau kỳ nghỉ dài ngày, tôi nhận công việc trong tuần này và muốn hoàn thành một dự án viết ngắn, như một lời nhắc nhở rằng tôi có thể tạo ra thứ gì đó có giá trị ngay cả khi tôi không thể dành cả ngày cho nó. Tôi hy vọng bạn thấy nó hữu ích.
Rồi mọi thứ cứ tiếp diễn, tôi cũng sẽ như vậy vào ngày mai, ngồi xuống trước bàn phím, và biết rằng tôi có thể đạt được tiến độ trong “mục tiêu viết” của mình, ngay cả khi một lần tôi chỉ dành 20 phút.