Để giảm cân, chế độ dinh dưỡng quan trọng hơn tập thể dục. Chia sẻ với CNN, ông Alexxai Kravitz, điều tra viên của Viện Tiểu đường, Tiêu hóa và Thận thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ cho biết năng lượng cơ thể con người sử dụng được chia làm ba loại sau:
Tốc độ trao đổi chất cơ bản
Năng lượng để duy trì các hoạt động sống thiết yếu như bơm máu hoặc hô hấp. Với hầu hết mọi người, trao đổi chất cơ bản chiếm từ 60% đến 80%. Tốc độ trao đổi chất tỷ lệ thuận với khối lượng cơ bắp và tỷ lệ nghịch với độ tuổi.
Sinh nhiệt do chế độ ăn
Năng lượng dùng để tiêu hóa thực phẩm. Khoảng 10% calo được đốt cháy nhờ cơ chế này.
Hoạt động thể chất
10-30% lượng calo mất đi do vận động, bao gồm tất cả hoạt động thể lực như đi lại, gõ máy tính cùng tập luyện. Nói cách khác, tập thể dục chỉ chiếm một phần trong nhóm trên. Cụ thể, người bình thường đốt cháy khoảng 5-15% qua các bài tập thể dục, không đáng kể so với tỷ lệ 100% năng lượng được đưa vào cơ thể khi ăn.
Hơn nữa, tập thể dục còn làm tăng cảm giác thèm ăn, khiến giảm cân trở nên càng khó khăn. Theo tính toán của Đại học Y Harvard, một người nặng 84 kg sẽ đốt cháy 200 calo trong 30 phút đi bộ ở vận tốc 6,5 km/h.
Nỗ lực giảm cân có thể trở thành vô ích nếu sau đó chúng ta ăn bốn chiếc bánh quy chocolate, một thìa rưỡi kem hoặc uống gần hai ly rượu vang. Ngay cả đạp xe cường độ cao, tiêu tốn 700 calo, cũng hoàn toàn vô nghĩa chỉ với vài ly đồ uống hỗn hợp hay một miếng bánh. Đây là lý do mọi người nên để ý tới thực phẩm trước tiên.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ chỉ ra những người giảm cân chậm, 0,5-1 kg mỗi tuần, dễ kiểm soát được cân nặng hơn. Tuy nhiên, không vì thế mà phủ nhận tầm quan trọng của tập thể dục. Nâng cao thể lực, khối cơ bắp, độ dẻo dai, giảm nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm như tim mạch, tiểu đường hay trầm cảm là hàng loạt trong số các lợi ích rõ ràng của hoạt động thể chất.