Cách bộ lạc Tarahumara sinh tồn tại các hẻm núi với địa hình khắc nghiệt ở Tây Sierra Madre, thuộc miền Bắc Mexico, luôn là điều huyền bí với con người hiện đại. Theo Men’s Health, bộ lạc này có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới, nhiều người sống đến hơn 100 tuổi, khỏe mạnh, không mắc các bệnh thời hiện đại như huyết áp cao, tiểu đường, bệnh tim hay ung thư. Người Tarahumara có thể chạy bộ liên tục từ một đến hai ngày. Lão hóa hay bệnh tật dường như chẳng chạm được đến những chiến binh vùng đồi núi này.
Trẻ con Tarahumara cũng rất khỏe, ít bệnh tật dù được nuôi dưỡng trên những vách núi hiểm trở, ít thực phẩm. Bộ lạc sống không có trộm cắp, giết người hay hành vi tự sát. Trồng trọt trong các vách núi rất khó khăn, lương thực chính của họ từ ngô và đậu. Các nhà khoa học đã từng nghiên cứu, kết luận bộ lạc sống trong môi trường nguyên sinh, hít thở không khí trong lành và điều kiện sống khắc nghiệt đã tôi luyện họ có nền tảng thể lực khỏe hơn người hiện đại.
Chế độ ăn của người Tarahumara giàu carbohydrates với 80% là ngô, đậu, thực vật. Họ kiểm soát lượng đường trong máu tốt nhờ ăn thực phẩm ở dạng sơ chế, bổ sung rau củ, các loại gia vị lấy từ trong rừng già. Người dân không tiếp cận nguồn thức ăn chế biến sẵn, đồ đóng hộp nên tránh được hóa chất bảo quản thực phẩm.
Người Tarahumara có thể chạy cả ngày dài. Năm 1994 có 5 người bộ lạc Tarahumara tham gia giải chạy Leadwille 100. Đây là giải chạy “hành xác” nhất hành tinh bởi vận động viên phải chinh phục 4 quãng đường marathon liên tục, trong đó 2 quãng trong bóng tối. Cuộc đua trên địa hình cao 1.000 m với không khí loãng, vượt qua 26 đèo dốc dựng đứng mà chỉ cần sẩy chân rớt vực là nguy hiểm đến tính mạng. Kết quả là 3 trong số 5 người của bộ lạc về đích ở thứ hạng cao. Người thắng giải là một người Tarahumara 55 tuổi.
Nhà báo Christopher Mcdougall của AP và chủ biên tạp chí Men’s Health tò mò về thành tích chạy bộ phi phàm của người Tarahumara nên đến bộ lạc để tìm lời giải. Trong cuốn sách Born to run đã được dịch ra tiếng Việt là Sinh ra để chạy, Mcdougall nhắc đến hạt chia, loại thực phẩm giúp người Tarahumara có được sự bền bỉ và dẻo dai đáng ngạc nhiên. Ngoài ra, lương thực của bộ lạc chỉ có bắp là chính. Họ tiêu thụ sữa bắp, bắp nấu để cung cấp lượng carbohydrats cần thiết cho cơ thể.
Chia, tên khoa học là Salvia Hispaniola thuộc loại hạt Lamiaceae, hỗ trợ bắp thịt và mô trong cơ thể trở nên cứng cáp và mạnh mẽ hơn. Hàng nghìn năm trước người Aztec, Maya đã biết trồng và dùng hạt chia làm thực phẩm dành riêng cho các chiến sĩ ra trận hoặc trong những hành trình dài. Ngày nay hạt chia được sử dụng phổ biến trong chế độ ăn của người hiện đại với tác dụng ổn định huyết áp, bổ sung chất xơ, giảm cholesterol trong máu.
Christopher McDougall tìm hiểu những thói quen giúp hình thành khả năng chạy bộ phi thường của người Tarahumara:
– Sống trong các bản làng cách xa nhau hàng trăm km, di chuyển, đi săn bằng cách chạy bộ.
– Chạy bộ theo nhóm, hỗ trợ lẫn nhau và hướng dẫn người trẻ cách điều chỉnh tốc độ.
– Người dân xem chạy bộ là nghệ thuật, là một phần trong văn hóa tín ngưỡng. Chạy bộ tự nhiên như việc ăn và ngủ. Đây còn là một trò chơi, niềm vui, thử thách mà đàn ông, phụ nữ và trẻ em đều hào hứng tham gia.
– Tiêu thụ một lượng lớn sữa bắp, giàu hàm lượng carbohydrates, để giải khát.
– Chạy bộ trên các đôi dép sandal tự chế gọi là huaraches hoặc chạy chân trần.
Mới đây, cô gái María Lorena Ramírez đến từ bộ lạc Tarahumara đã chiến thắng cự ly 50 km chạy marathon Ultra Trail Cerro Rojo với đôi dép sandal bằng vỏ xe cao su. Ramírez vượt qua hơn 500 chân chạy nữ khác đến từ 12 quốc gia, với thành tích 7 giờ 3 phút mà không trang bị một phụ kiện thể thao đặc biệt nào.