Theo HIMSS, thiết bị sử dụng hệ thống gồm 12 cảm biến gửi tín hiệu điện cực đi qua 24 cơ bắp trong toàn bộ cơ thể. Người dùng sẽ chọn cơ nào muốn kiểm tra thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Sau đó, xịt nước lên bề mặt các cảm biến và đặt vào da ở vị trí muốn đo.
Cảm biến ở mặt sau của thiết bị khi được áp vào da sẽ gửi điện cực đi qua cơ thể để đo lượng mỡ và chất lượng cơ bắp người dùng.
Ứng dụng sẽ thực hiện phép tính để thông báo tỷ lệ chất béo và nhận xét về chất lượng của cơ bắp người dùng. Bảng kết quả lấy 100 làm chuẩn. Nếu đạt mức này, cơ bắp có chất lượng tốt, còn thấp hơn sẽ không đạt yêu cầu.
Sau khi đo được chất lượng cơ bắp của toàn bộ cơ thể, ứng dụng sẽ theo dõi sức khỏe người dùng một cách tổng quan. Từ đó đưa ra lời khuyên để cải thiện thông qua các bài tập luyện dành cho chính các khu vực cơ bắp cần tăng cường chất lượng. Mức giá của thiết bị này khoảng 2,3 triệu đồng một máy.
Thiết bị sẽ kết nối với một ứng dụng trên điện thoại nhằm phân tích chuyên sâu từng vị trí được đo trên cơ thể.
Tiến sĩ Rexford Ahima, giáo sư y khoa tại Đại học Pennsylvania, Mỹ cho biết lượng mỡ và cơ bắp trong cơ thể có thể phản ánh tình trạng sức khỏe của con người. Phân tích mỡ và cơ bắp chuyên sâu giúp bạn biết phải làm gì để giảm mỡ, tăng cơ và ít bị tổn thương hơn.
Một số cách đo chỉ số sức khỏe thông qua tỷ lệ mỡ và chất lượng cơ bắp như trọng lượng cơ thể dưới nước (hydrostatic weighing) hoặc quét DEXA nhưng lại có chi phí cao và bất tiện khi đo thường xuyên. Ngoài ra, còn có phương pháp đo bioimpedance, bắn một tín hiệu điện vào cơ thể. Nhược điểm của cách đo này là kết quả chưa nhất quán, có thể thay đổi tùy thuộc vào mức độ hydrat hóa, phân phối trọng lượng và sắc tộc của từng người.