Chạy bộ mang lại những lợi ích nhất định cho cơ thể, tuy nhiên, kéo theo đó là sự nguy hiểm khó lường.
Việc ra ngoài chạy bộ sẽ giúp tâm trí, cơ thể và tâm hồn trở nên tốt hơn. Theo WebMD, cùng với việc giúp cơ thể bạn tập luyện tràn đầy sinh lực, chạy bộ có thể tăng cường sức khỏe tim mạch, trí nhớ, giấc ngủ, năng lượng và tâm trạng của bạn. Ngoài ra, nếu chạy bộ trên những con đường mòn hoặc chạy bộ quanh khu phố của mình, bạn sẽ được hít thở luồng không khí trong lành, tốt cho sức khỏe.
Cũng giống bất kỳ hình thức hoạt động thể chất nào, bạn cần đảm bảo mình đang chạy theo cách an toàn và hiệu quả. Nếu không, bạn có thể phải chịu nhiều thương tích khác nhau, thậm chí là tổn thương vĩnh viễn cho cơ thể.
Tiến sĩ Matt Tanneberg, bác sĩ chỉnh hình thể thao, chuyên gia về sức mạnh và điều hòa được chứng nhận, đồng thời là chủ sở hữu và người điều hành của Body Check Chiropractic & Sports Phục hồi chức năng tại Scottsdale, Arizona, chia sẻ trước khi bước xuống vỉa hè hoặc tập luyện lên máy chạy bộ, bạn cần hiểu rõ về nó.
Các bộ phận bị thoái hóa
Bạn có nhiều cách bạn để chạy bộ an toàn hơn. Bạn có thể chọn giày hỗ trợ chạy, mặc quần áo phù hợp, không quá nóng hay quá lạnh. Bạn cũng có thể theo dõi nhịp tim của mình thông qua thiết bị theo dõi thể dục và tuân thủ các lộ trình đầy thử thách nhưng không vất vả. Tuy nhiên, tất cả thói quen này có thể không ngăn ngừa được một số vấn đề sức khỏe nếu bạn chạy bộ hàng tuần, hàng tháng, thậm chí hàng năm.
Tiến sĩ Tanneberg nói: “Tác động liên tục từ việc chạy bộ sẽ làm mòn các khớp trên cơ thể chúng ta nhanh hơn bình thường. Chạy bộ gây nhiều căng thẳng và áp lực lên các chi dưới. Theo thời gian, nó sẽ khiến cho bàn chân, mắt cá chân, đầu gối và hông của chúng ta bị thoái hóa”.
Chấn thương ngắn hạn
Ngay cả khi chỉ chạy trong khoảng thời gian tương đối ngắn, bạn vẫn có nguy cơ gặp phải những chấn thương đáng tiếc. Mỗi khi bạn đam mê chạy bộ hoặc chạy nước rút, bạn đang tăng số lượng hoạt động thể chất với tốc độ và cường độ cao.
Theo tiến sĩ Tanneberg, những người chạy bộ sử dụng cơ thể của họ, đặc biệt đôi chân, nhiều hơn so với người bình thường. Điều này đơn giản sẽ khiến những người chạy bộ có nguy cơ bị chấn thương mô mềm (thường là căng cơ) ở các chi dưới cao hơn so với những người không chạy bộ.
Các chấn thương khác
Số lượng hoạt động thể chất tăng lên đòi hỏi cơ thể phải có sức chịu đựng. Cho dù là một vận động viên mới hay vận động viên chạy marathon lâu năm, bạn có thể gặp rắc rối nếu cố gắng làm quá nhiều trong một khoảng thời gian ngắn.
Tiến sĩ Tanneberg nói: “Người chạy bộ rất có khả năng phát triển một số loại chấn thương như viêm cân gan chân, nẹp ống chân và đầu gối. Những chấn thương này chủ yếu do tình trạng viêm ảnh hưởng đến gân vì liên tục tiếp xúc lên mặt đường”.
Tập luyện quá sức
Nếu đam mê chạy bộ, bạn có thể biến nó thành thói quen của mình. Tuy nhiên, quá nhiều không bao giờ là điều tốt và bạn không nên lạm dụng nó.
Tiến sĩ Tanneberg nói: “Theo định nghĩa, tập thể dục gây căng cơ, gân, dây chằng và các cơ quan của chúng ta. Đáp lại, cơ thể sẽ phục hồi và trở nên khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, tập luyện quá sức là vấn đề đối với những người chạy bộ không kết hợp các hoạt động khác nhau vào chế độ tập luyện của họ”.
Mất cân bằng cơ bắp
Chạy bộ thường xuyên cũng có thể phản tác dụng nếu bạn không thường xuyên tập luyện những bài khác.
Chạy giúp phát triển cơ bắp của các chi dưới, cũng như phần gân cốt. Tuy nhiên, nó không phát triển cơ bắp ở phần trên cơ thể theo cách tương tự. Việc mất cân bằng cơ bắp khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi, cho dù sự mất cân bằng đó là trên hay dưới, trái so với phải hay trước so với sau.
Đó là lý do ngoài việc chạy bộ, tiến sĩ Tanneberg khuyên bạn nên thỉnh thoảng thử chèo thuyền, bơi lội, đạp xe hoặc nâng tạ.
Theo Zing.vn