Đóng góp thiết thực bằng vật chất vào công cuộc phòng chống dịch bệnh của cả nước qua cổng tin nhắn 1407, vận động đồng nghiệp và bạn bè trên các trang mạng xã hội cùng chung sức mua khẩu trang y tế, trang phục bảo hộ tặng đến các bệnh viện, địa điểm cách ly và coi đấy như một phần trách nhiệm của mình đối với cộng đồng.
Trên trang cá nhân của nhiều VĐV nổi tiếng của thể Việt Nam, xuất hiện thường xuyên là những dòng trạng thái đầy tính khích lệ như “Chính sức khỏe mới là sự giàu có thực sự. Mọi người hãy tập thể thao để luôn khỏe, khỏe để chống giặc Covid-19 nhé!”, truyền cảm hứng cho nhiều người cùng tham gia tập luyện thể thao tăng cường sức khoẻ, tăng sức đề kháng chống dịch Covid-19.
Tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội (Nhổn), mặc dù có hơn 1.000 VĐV ở các đội tuyển quốc gia và đội tuyển trẻ đang được “cấm trại”, nhưng không khí tập luyện tại đây vẫn được đánh giá là sôi động nhất làng thể thao Việt. Các tuyển thủ điền kinh Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan, Quách Công Lịch, Nguyễn Thị Oanh, Trần Nhật Hoàng… luôn rạng ngời nụ cười ngay cả khi vừa “nuốt” trọn giáo án nặng mà thầy giao. Đối với họ, sự lạc quan chính là một trong những phương thuốc tăng đề kháng giữa mùa dịch Covid-19.
Nguyễn Thị Huyền vừa cùng nữ lực sĩ Vương Thị Huyền (đội tuyển cử tạ), đại diện cho hơn 1.000 VĐV ở Nhổn cùng lãnh đạo trung tâm đến trao tặng số tiền 200 triệu đồng ủng hộ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương trong cuộc chiến đẩy lùi dịch Covid-19. Giữa mùa dịch, đóng góp dù nhỏ cũng rất thiết thực và thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, nên theo nhà vô địch SEA Games Nguyễn Thị Huyền, đấy là việc nên làm. “Mỗi VĐV, HLV ở Nhổn đều hài lòng khi đóng góp 1 ngày lương của mình giúp Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương – một trong những đơn vị đi đầu trong phòng chống dịch Covid-19”, ông Nguyễn Mạnh Hùng (Giám đốc Trung tâm HLTTQG Hà Nội) chia sẻ.
HLV Trương Minh Sang cho biết anh và cậu học trò Lê Thanh Tùng đã dự đoán được tình hình Olympic Tokyo 2020 nhiều khả năng sẽ hoãn, nhưng không vì thế mà lơi là tập luyện, vì trước mắt của Thanh Tùng là rất nhiều giải đấu thể dục dụng cụ tầm châu Á và thế giới chờ đợi anh chinh phục sau khi dịch bệnh tan.
Võ sĩ quyền Anh Nguyễn Văn Đương thừa nhận anh có hơi hụt hẫng khi đón nhận tin Olympic 2020 hoãn đến năm sau, tuy nhiên điều đó càng giúp anh có thêm thời gian để rèn luyện kỹ năng ra đòn, phòng thủ trước khi bước vào sân đấu Olympic lần đầu tiên trong sự nghiệp của mình. Tuân thủ quy định cách ly tại chỗ ngay ở Trung tâm HLTTQG TPHCM (Thủ Đức) sau khi trở về từ chuyến du đấu ở Jordan, Văn Đương cùng đồng đội Nguyễn Mạnh Cường tận dụng các khoảng không gian nhỏ hẹp, vật dụng để biến thành dụng cụ tập luyện, chờ trở lại sàn tập sau thời gian 14 ngày quy định.
“Độc cô cầu bại” Nguyễn Trần Duy Nhất những ngày này dồn sức cho các buổi tập ở Phòng tập riêng No.1 Muay Club ở đường Huyền Trân Công Chúa (Quận 1, TPHCM), chờ ngày trở lại võ đài ONE Championship thi đấu. Tuân thủ quy định không tụ tập đông người, Duy Nhất và các đồng nghiệp tạm thời dừng các buổi huấn luyện cho giới trẻ và những người yêu thích Muay Thái, để tập trung phun thuốc khử trùng, đảm bảo an toàn cho môi trường tại CLB. Hàng ngày, anh và một vài đồng nghiệp “cày” trên ring đài với những bài tập kỹ thuật, chưa kể các bài tập bổ trợ từ máy chạy bộ, nâng tạ, nhảy dây và cả vác… vỏ xe chạy trong khuôn viên sân vận động Tao Đàn.