Không còn chỗ cho nỗi lo bị đô hay thô cứng, nhiều phụ nữ hiện nay kiên trì tới phòng tập với mục tiêu hướng tới sức khỏe cũng như vẻ ngoài săn chắc.

Cơ bắp không còn đáng sợ với phụ nữ ngày nay. Ảnh: adel_grober.

Trong 2 ngày trình diễn đầu tiên của Born Pink World Tour tại Seoul (Hàn Quốc), nhóm nhạc nữ đình đám BlackPink đã mang đến cho khán giả không ít bất ngờ cũng như cảm xúc khi có mặt trên khán đài.

Không chỉ bởi tài năng vốn đã được khẳng định từ lâu, ngoại hình của các thành viên trong nhóm cũng tạo ra hiệu ứng rất mạnh mẽ trong cộng đồng người hâm mộ. Rosé, Lisa gây ấn ấn tượng mạnh với cơ bắp tại cánh tay, ngực trên hay vai. Trong khi đó, cả 4 thành viên đều thể hiện sự bền bỉ trên sân khấu trong suốt buổi diễn với nền tảng thể lực đáng kinh ngạc.

Là hình tượng của hàng triệu phụ nữ trên toàn thế giới ở thời điểm hiện tại, BlackPink đang phần nào cho thấy sự thay đổi trong góc nhìn của phái nữ về ngoại hình, cơ bắp hay sức khỏe nói chung.

Rosé và Lisa (BlackPink) tự tin khoe bắp tay, vai trong lần xuất hiện mới đây. Ảnh: @saintroseys, LiFNo327.

“Phái yếu” không đồng nghĩa là phải yếu

Chia sẻ với Zing, Nguyễn Hoài Bích (28 tuổi, trú tại Hà Đông, Hà Nội) cho biết đã đến với gym và duy trì việc tập luyện trong suốt 8 năm qua. Mới đây, sau khi kết hôn và hạ sinh bé gái đầu lòng, cô nhanh chóng trở lại quỹ đạo tập luyện.

Bích nhớ lại: “Ban đầu, cũng giống những người khác, tôi tập luyện chủ yếu với mức tạ nhẹ cùng các bài đơn giản. Tuy nhiên, theo thời gian, cũng không biết chính xác từ bao giờ, tôi tự tìm hiểu kết hợp với nhờ người quen hướng dẫn và bắt đầu chuyển sang các bài tập khó hơn, mức tạ nặng hơn”.

Mỗi ngày đến phòng tập, Hoài Bích này đều tận hưởng cảm giác thoải mái, phấn chấn sau thời gian làm việc áp lực. Với Bích, việc chinh phục các mức tạ đem lại sự thỏa mãn lạ kỳ. Mặt khác, cô cũng thấy rõ được tác động của các bài tập tới thể lực và cơ thể mình.

Hoài Bích tự hào với cơ thể mình sau nhiều năm tập luyện. Ảnh: NVCC.

“Tôi cũng có nhận được nhiều lời khen chê khác nhau. Nhưng mặc kệ ai nói gì cứ nói, tôi thực sự cảm thấy cơ thể mình đẹp lên mỗi ngày nhờ tập luyện – săn chắc hơn, khỏe khoắn hơn. Thể lực của tôi cũng tốt hơn rất nhiều. Tôi nghĩ quan trọng nhất vẫn là bản thân mình thấy như thế nào, không phải người khác”, Hoài Bích tâm sự.

Nhắc lại về thời điểm có phong độ cao nhất, Hoài Bích bày tỏ niềm tự hào với tấm huy chương đồng giải Vietnam Powerlifting Meet 2018-2019 trực thuộc Global Powerlifting Alliance.

“Thời điểm đó, thành thật là tôi tham gia không phải nhằm mục tiêu giành giải. Tôi chỉ muốn chứng minh bản thân đủ ‘mạnh’ để đối mặt với mọi trở ngại, có thể làm mọi thứ nếu cố gắng hết mình”, Hoài Bích nói.

Duy trì thói quen tới phòng tập 3 năm nay, Nguyễn Thị Hải Yến (25 tuổi, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng thừa nhận bản thân không ngại cơ thể lộ cơ bắp do tập tạ. Thậm chí, cô gái này cho rằng đây là thành quả đáng tự hào của mình sau khi đã nỗ lực trong từng hiệp tập.

Yến nói: “Cơ bắp to thì có sao. Tôi còn đang muốn hơn còn không được. Tôi thấy phụ nữ giờ có cơ bắp săn chắc, khỏe mạnh mặc bikini còn đẹp hơn là gầy nhưng tỷ lệ cơ thể toàn mỡ, chụp ảnh cứ phải cong, ưỡn đến mệt”.

Hải Yến mong muốn mình có thể tiếp tục tăng cơ trong thời gian tới. Ảnh: NVCC.

Cô cũng chia sẻ nhiều bạn nữ tập cùng mình tại phòng gym cũng có chung suy nghĩ này. Nhờ thế, mọi người ngay từ khi bắt đầu đều nỗ lực hết mình để không làm lãng phí buổi tập. Thậm chí sau khi hoàn thành chương trình tập, nhóm một số bạn nữ còn chụp ảnh chung để khoe những phần cơ bắp lộ rõ đường nét.

“Tôi nghĩ ngay từ khi bắt đầu tập, khi còn chưa đạt được thành quả nào nhưng đã lo chuyện đô, to thì sẽ chẳng bao giờ có được cơ thể như mong muốn. Tâm lý này khiến mọi người không chịu cố gắng”, Yến tâm sự.

Đồng quan điểm, Cao Thị Phương Thảo (25 tuổi, ngụ Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết rất ngưỡng mộ những bạn nữ có cơ thể rắn chắc, khỏe mạnh. Thay vì dáng nhỏ, eo thon, Thảo chia sẻ thích một cơ thể đầy đặn, ít mỡ hơn.

“Cơ thể như thế nào là sở thích và lựa chọn của mỗi người. Nhưng cá nhân tôi nghĩ phụ nữ ngày nay không nhất thiết cứ phải gầy mới là đẹp. Tôi cũng không ủng hộ việc ăn uống bừa bãi dẫn đến thừa cân, béo phì. So với 2 kiểu trên, tôi nghĩ việc sở hữu cơ bắp săn chắc, tỷ lệ mỡ thấp cùng sức khỏe tốt cũng không quá tệ”, Thảo nói.

Theo khảo sát của Zing tại một chuỗi phòng gym tại Hà Nội, số lượng khách hàng là nữ giới đăng ký tập đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Cụ thể, cách đây khoảng 5 năm, tỷ lệ nữ chỉ chiếm khoảng 20% trên tổng số lượng người đăng ký thẻ tập. Tuy nhiên, con số này hiện đã tăng lên gần 50%.

Đại diện phòng tập này chia sẻ: “Các khách hàng nữ đăng ký thẻ tập chủ yếu có mục tiêu ban đầu là giảm mỡ. Dẫu vậy, sau khi hiểu rõ về những lợi ích của cơ bắp, nhiều người cũng bày tỏ sự nghiêm túc trong quá trình tập luyện để sớm đạt được cơ thể mong muốn”.

Bị giới hạn tiềm năng vì định kiến, thái độ

Trao đổi với Zing, huấn luyện viên Nguyễn Khánh (Hà Nội) khẳng định cơ thể nam và nữ giới ngay từ khi chào đời đã có hàng triệu điểm khác biệt để cấu thành những đặc điểm riêng biệt về giới tính.

Những sự khác biệt này cũng có trong quá trình phát triển cơ bắp. Tuy nhiên, điều này không quyết định hoàn toàn việc phụ nữ có thể tăng cơ hay không.

Theo một nghiên cứu được đăng tải trên PubMed năm 2001, trong các hình thức tập luyện nhằm cải thiện yếu tố sức mạnh, phụ nữ được chứng minh là hoàn toàn có thể tăng được tỷ lệ cơ tương đương nam giới, thậm chí vượt trội về sức mạnh.

“Mặt khác, khả năng tổng hợp protein sau tập và sau bữa ăn của phụ nữ cũng không khác biệt so với đàn ông”, HLV này nói.

Phụ nữ vẫn có tiềm năng phát triển cơ bắp. Ảnh minh họa: jonathan_borba.

Từ đây, HLV Nguyễn Khánh cho rằng sự khác biệt duy nhất giữa 2 giới đến từ điểm xuất phát. Nghĩa là đàn ông thường khởi đầu với lượng cơ bắp cũng như sức mạnh vốn có cao hơn phụ nữ.

Một điểm nóng khác về sự khác biệt giữa 2 giới trong quá trình phát triển cơ bắp là hormone testosterone. Về mặt lý thuyết, hormone này hoạt động khác nhau ở cơ thể nam và nữ. Testosterone được đánh giá có vai trò lớn trong quá trình phát triển cơ.

Dù chịu “thiệt thòi” về testosterone, nữ giới vẫn có các yếu tố phục vụ quá trình tăng trưởng bao gồm IGF-1 hay HGH (hormone tăng trưởng). Các yếu tố này đảm nhận vai trò lớn hơn khi đồng hóa cơ bắp ở nữ.

HLV Khánh giải thích: “Nguyên nhân là phụ nữ có lượng IGF-1 tương đương nam giới nhưng lượng HGH nhiều hơn xấp xỉ 3 lần so với nam giới. Điều này giải thích một phần việc dù có ít testosterone hơn, phụ nữ hoàn toàn không bị hạn chế về lượng cơ bắp tiềm năng”.

Ngoài ra, nhiều luồng ý kiến cho rằng testosterone tạo ra sự đồng hóa cơ bắp, trong khi estrogen (hormone sinh lý nữ) gây dị hóa cơ bắp. Điều này là thiếu căn cứ.

Một nghiên cứu tại Mỹ đăng tải trên Frontiers năm 2019 chỉ ra những lợi ích của estrogen đối với sự đồng hóa cơ bắp. Do đó, với phụ nữ, hormone này cũng được liệt vào danh sách những yếu tố quan trọng hỗ trợ sự phát triển cơ.

Tuy nhiên, HLV Khánh cho hay thực tế quan sát tại phòng tập cho thấy việc phát triển cơ bắp với kích thước to cùng độ nét không phải dễ dàng, ngay cả với nam giới. Mặt khác, cách thức tập luyện và tâm lý của phụ nữ khi tập gym cũng ảnh hưởng tới kết quả.

“Bản thân việc tập luyện kháng lực sẽ đặt áp lực lên cơ bắp, yêu cầu cơ bắp vượt qua giới hạn nhằm giúp chúng phát triển, từ đó đẩy nhanh quá trình trao đổi chất, hỗ trợ giảm tỷ lệ mỡ theo thời gian”, HLV Khánh nhận định.

Nhưng với tâm lý lo ngại phát triển cơ ngay từ đầu, đa phần những người này sẽ tập sai, không đủ nghiêm túc cũng như thiếu ý chí, từ đó không đạt hiệu quả cần thiết cũng như tiềm năng phát triển.

Theo Zing.vn

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link