Bên cạnh thực phẩm, đồ uống thể thao cũng là một phần quan trọng trong chế độ dinh dưỡng, tập luyện của các vận động viên.

Đồ uống thể thao được pha chế đặc biệt để giúp vận động viên (VĐV) bù nước trong hoặc sau khi tập luyện, thi đấu. Chúng thường chứa giàu carbohydrate – nguồn bổ sung năng lượng hiệu quả với VĐV.

Bên cạnh đó, đồ uống thể thao còn chứa các chất điện giải, khoáng chất, những thứ mất đi khi VĐV đổ mồ hôi. Việc bù đắp chất điện giải giúp cơ thể giảm mệt mỏi, điều hòa nhịp tim.

Về cơ bản, có 3 loại đồ uống thể thao gồm: Isotonic, Hypertonic và Hypotonic được phân loại dựa trên nồng độ muối và đường.

Cầu thủ CLB Bình Định dùng đồ uống Isotonic trong lúc tập luyện. Ảnh: Nguyên Khang.

Isotonic (tạm dịch: đẳng trương) chứa nồng độ muối và đường tương tự trong cơ thể người. Thức uống Isotonic nhanh chóng bổ sung lượng chất lỏng hao hụt do đổ mồ hôi và cung cấp carbohydrate. Đây là sự lựa chọn ưu tiên của hầu hết VĐV trong lúc tập luyện, thi đấu và là loại đồ uống phổ biến trên thị trường.

Hypertonic (tạm dịch: ưu trương) chứa đồng độ muối và đường cao hơn cơ thể người. Nó thường được sử dụng sau khi tập luyện, thi đấu để bổ sung carbohydrate và tích trữ glycogen cho cơ bắp.

Ở các cự ly thi đấu đường dài, đòi hỏi nguồn năng lượng phải được đảm bảo liên tục như marathon, VĐV có thể sử dụng nước uống Hypertonic nhưng phải dùng chung với Isotonic.

Hypotonic (tạm dịch: nhược trương) chứa nồng độ muối và đường thấp hơn cơ thể người. Nó thích hợp với người cần bổ sung chất lỏng mà không cần carbohydrate.

Ngoài các loại nước uống thể thao, VĐV có thể sử dụng nước lọc bởi đây vẫn là một sự lựa chọn tốt để bù nước cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu uống quá nhiều nước lọc, cơ thể có thể xảy ra tình trạng mất cân bằng điện giải, hay còn được gọi là nhiễm độc nước. Dù hiếm khi xảy ra, tình trạng này có thể gây ra tử vong.

Nó xảy ra khi lượng lớn nước lọc được đưa vào cơ thể trong khi mất nhiều chất điện giải (do toát mồ hôi khi tập luyện thể dục thể thao hoặc trời nóng). Từ đó, nồng độ chất điện giải trong cơ thể tụt xuống thấp, làm gián đoạn chức năng của các tế bào thần kinh. Các triệu chứng xuất hiện là mất phương hướng, co giật, hôn mê và nghiêm trọng hơn là tử vong.

Vì thế, để giảm nguy cơ ngộ độc nước, VĐV cần sử dụng hợp lý giữa nước lọc và các loại đồ uống thể thao.

Theo Nguyên Khang (zing) – Ảnh: T.H