Dưới đây là bài chia sẻ của Nguyễn Tường Vi (sinh năm 1994, TP.HCM) về hành trình cải thiện vóc dáng:
Tôi béo phì suốt 6 năm, từ lớp 4 đến lớp 10. Sự tự ti cũng theo tôi suốt những năm tháng tưởng như vô tư. Lớp 10, tôi bắt đầu uống thuốc giảm cân và tự tập thể dục tại nhà. Cân nặng của tôi xuống rất nhanh (từ 61 kg xuống 45 kg) nhưng kéo theo nhiều vấn đề về sức khỏe và rất dễ tăng cân trở lại.
Vì ăn kiêng kham khổ, thiếu khoa học cùng áp lực học tập, tôi bị đau dạ dày khá nặng, từng phải nhập viện. Lúc này, số cân của tôi tụt xuống chỉ còn 40,5 kg. Cố gắng gạt bỏ tâm lý sợ tăng cân của người từng béo phì, tôi bắt đầu tập luyện nghiêm túc, kết hợp chế độ dinh dưỡng khoa học.
Sau gần một năm tập luyện, vóc dáng của tôi thay đổi hoàn toàn, “ba vòng như một” trước kia giờ đã khá cân đối, cân nặng tăng lên mức 48-49 kg với số đo ba vòng 86-59-90 cm.
Tập với tạ 5-6 buổi mỗi tuần
Thời gian đầu, tôi giống như các bạn nữ khác chỉ tập 1-2 bài cardio, bấm điện thoại rồi đi về. May mắn, tôi gặp được một huấn luyện viên nhiệt tình giúp đỡ và bắt đầu có những trải nghiệm thực sự về bộ môn thể hình. Tôi nhận ra, nếu có sự nghiên cứu, tập đúng kỹ thuật và kết hợp chế độ dinh dưỡng khoa học sẽ có kết quả khả quan.
Chỉ sau 2 tuần tập luyện nghiêm túc, cơ thể đã bắt đầu có sự thay đổi. Tuy nhiên, vì tập đúng nên các phần cơ bắt đầu đau nhức rất nhiều. Đây là giai đoạn rất dễ bỏ cuộc nếu bạn không thực sự quyết tâm.
Tôi tập 5-6 buổi/tuần với thời gian 90 phút/ngày. Giáo án tập luyện tùy thuộc vào mục tiêu, cơ địa của mỗi người. Tôi thường tập với tạ và rất thích luyện nhóm cơ đùi, mông.
Qua quan sát và rút kinh nghiệm từ bản thân, tôi thấy nữ giới thường mắc nhiều lỗi sai dẫn đến tập không hiệu quả. Sai lầm thường thấy là tập không có cảm nhận cơ. Khi tập nhóm cơ ngực, không cảm nhận được cơ bạn sẽ thấy vai và tay to ra, phần trên cơ thể thô và lép.
Bên cạnh đó, bạn thường có tâm lý tập và ăn uống nghiêm túc trong 1-2 tuần đầu tiên, sau đó chán nản rồi bỏ cuộc. Bạn không nên ép bản thân vào khuôn khổ quá khắt khe, hãy tìm cách cải thiện dần dần để cơ thể kịp thích nghi. Tôi quan niệm tập gym để hoàn thiện bản thân, không phải theo đuổi sự hoàn hảo.
Ngoài ra, nhiều người cũng có suy nghĩ sau khi nghỉ tập gym cơ thể sẽ lỏng lẻo, chảy xệ. Đây là quan điểm sai lầm, cơ thể bạn “xuống cấp” hoàn toàn do chế độ ăn uống. Để tránh tình trạng này, sau khi nghỉ tập bạn vẫn cần duy trì chế độ ăn uống khoa học. Theo tôi, chế độ dinh dưỡng chiếm 70%, 30% còn lại do chế độ tập.
Về chế độ dinh dưỡng, tôi chia thực đơn thành 5-6 bữa mỗi ngày. Trong thực đơn, tôi cố gắng tăng chất đạm, thay thế các loại tinh bột hấp thu nhanh bằng tinh bột hấp thu chậm như khoai lang, yến mạch, ngũ cốc,…
Thực đơn mẫu trong một ngày:
– 7h: Khoai lang (yến mạch, bún, ngũ cốc) + 200 gram cá (thịt bò, gà) + rau xanh
– 10h: Bánh ngọt hoặc whey protein, trái cây
– 12h: Salad ức gà hoặc lòng trắng trứng, bít tết, gỏi cuốn thịt + cơm hoặc khoai tây nghiền, ngô, khoai lang
– 17h: Salad thịt bò hoặc cá hấp + rau xanh
– 19h: 1 ly sinh tố hoặc các loại hạt sấy khô
– 21h30′: Sandwich bơ đậu phộng hoặc 1/2 quả ngô + 1 phần ăn giàu đạm
Có thể bạn quan tâm