Lầm tưởng 1: Có mỡ bụng nhưng chỉ số BMI khỏe mạnh thì vẫn không sao
Đây là lầm tưởng tai hại hàng đầu về mỡ bụng. Mỡ nội tạng hay mỡ bụng sâu nguy hiểm hơn nhiều mỡ dưới da hay mỡ quanh đùi, chân.
Mỡ nội tạng nằm sau trong ổ bụng, bao bọc quanh các cơ quan nội tạng, trong đó có trái tim và lá gan.
Mỡ nội tạng có liên quan đến nguy cơ đau tim, tăng huyết áp, đột quỵ, sa sút trí tuệ, tiểu đường và ung thư vú.
Ngoài ra, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng mỡ bụng là dấu hiệu cảnh báo cơ thể có một chất hóa học gây viêm có thể dẫn tới nhiều căn bẹnh nguy hiểm.
Quá nhiều mỡ thừa tích tụ ở bụng có thể gây hại cho sức khỏe của bạn hơn nhiều so với việc có mỡ thừa ở mông, cánh tay hoặc đùi, đó là lý do tại sao bạn cần chú ý tới mỡ bụng.
Lầm tưởng 2: Gập bụng sẽ giảm mỡ bụng
Bạn có thể thực hiện các bài tập tăng cường cơ bụng cả ngày, nhưng nếu cơ bụng của bạn ẩn dưới lớp mỡ bụng thì bạn cũng không thể cho thấy thành quả tập luyện của mình..
Để giảm mỡ bụng, bạn cần giảm tổng lượng mỡ toàn thân. Hãy tập các bài tập cardio để tiêu hao mỡ. Ngay cả đi bộ cũng là bài tập có tác dụng giảm mỡ bụng.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Bang Louisiana phát hiện ra rằng chỉ cần hai tiếng rưỡi đi bộ mỗi tuần có thể giúp giảm 2,5 cm mỡ bụng mỗi tháng.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Wake Forest còn phát hiện phụ nữ béo phì đi bộ từ 30-55 phút, 3 lần/tuần có thể để giảm kích thước của các tế bào mỡ bụng gần 20%.
Ngoài ra, theo Trung tâm Y tế Đại học Rush, chất béo đầu tiên bạn giảm khi tập thể dục là mỡ nội tạng.
Nếu bạn đã thường xuyên đi bộ, bạn có thể kết hợp thêm bài tập cường độ cao HIIT để giảm mỡ bụng nhanh hơn.
Lầm tưởng 3: Chế độ ăn ít calo là cách giảm mỡ bụng tốt nhất
Một lầm tưởng phổ biến về việc giảm mỡ, nhất là mỡ bụng đó là calo nào cũng như nhau.
Nhiều năm qua, các chuyên gia dinh dưỡng và y tế đã lật tẩy lầm tưởng này. Vấn đề quan trọng nhất là chất lượng của calo chứ không phải số lượng.
Chỉ cố gắng giảm lượng calo tiêu thụ đến một lượng nhất định mỗi ngày có thể hiệu quả bằng việc ăn các loại thực phẩm phù hợp để loại bỏ mỡ bụng.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng lượng đường dư thừa, chứ không phải chất béo, là nguyên nhân dẫn đến béo bụng.
Một nghiên cứu năm 2008 của Đại học Minnesota, cho thấy những tình nguyện viên uống nhiều đồ uống có đường nhất có nhiều mỡ nội tạng hơn và vòng eo lớn hơn những người không uống.
Một nghiên cứu khác từ đầu năm nay đã xác nhận rằng chế độ ăn Địa Trung Hải (khuyến khích các thực phẩm bổ dưỡng như trái cây, rau, chất béo lành mạnh và ngũ cốc nguyên hạt trong khi hạn chế các thành phần chế biến và đường) có liên quan đến việc giảm nguy cơ “biến cố tim mạch”, hay còn gọi là đau tim và đột quỵ
Không phải loại calo nào cũng giống nhau. Vì vậy, thay vì mất thời gian tính toán calo không cần thiết, hãy ăn sạch, tránh carb tinh luyện và đường tinh luyện để giảm mỡ bụng.
Lầm tưởng 4: Ăn ít chất béo hơn thì ít mỡ bụng hơn
Tương tự calo, không phải loại chất béo nào cũng như nhau.
Nền tảng của chế độ ăn giảm mỡ bụng thực sự phụ thuộc vào việc ăn chất béo.
Chất béo không bão hòa đơn từ thực vật (gồm ô liu, bơ, quả hạch, hạt và dầu của chúng) đã được Hiệp hội Tiểu đường Mỹ phát hiện có tác dụng giảm mỡ bụng.
Để đạt hiệu quả bạn cần ăn chất béo không bão hòa đơn với chế độ ăn sạch (eat clean) nhiều trái cây giàu chất xơ, rau xanh, thịt nạc.
Mặt khác, bạn nên kiêng chất béo chuyển hóa – thường được tìm thấy trong thực phẩm chiên bán trên thị trường và đồ nướng có đường.
Lầm tưởng 5: Người dáng quả táo không thể giảm mỡ bụng
Ngay cả khi bạn có khuynh hướng di truyền là dáng người “quả táo” là có xu hướng tăng cân ở vùng bụng thì điều đó không có nghĩa là bạn phải chịu đựng mỡ nội tạng và các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn liên quan.
Bất cứ ai cũng có thể giảm mỡ toàn thân với sự kết hợp giữa tập thể dục và ăn uống lành mạnh.
Hãy kết hợp việc tập thể dục phù hợp và chế độ ăn giàu protein nạc, chất béo lành mạnh, carb phức và nhiều nước.
Các bài tập cardio và bài tập tăng cường sức mạnh sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu giảm mỡ bụng mình mong muốn