Nghiên cứu mới đây phát hiện ăn khuya ảnh hưởng tới quá trình tiêu hao năng lượng, sự thèm ăn và quá trình phân giải chất béo.

Về cơ bản, việc ăn khuya không có lợi cho sức khỏe. Ảnh: discover_magazine.

Thực tế trong quá khứ, khi bắt đầu một chế độ ăn kiêng, chúng ta đã được cảnh báo về việc hạn chế ăn khuya. Một số nghiên cứu được công bố năm 2019 đã liên kết việc ăn muộn với nguy cơ béo phì, đồng thời cho rằng những người ăn khuya giảm ít cân hơn sau khi phẫu thuật xử lý béo phì.

Tuy nhiên, rất ít nghiên cứu được thực hiện về cách thời gian ăn uống tác động tới cơ chế sinh lý.

Theo giáo sư Kelly C. Allison, khoa Tâm lý học tại trường Y Perelman thuộc Đại học Pennsylvania, những tranh cãi liên quan thời gian ăn xoay quanh chế độ nhịn ăn gián đoạn (Intermittent Fasting).

Đối tượng tham gia nghiên cứu

Nghiên cứu bao gồm 16 người tham gia có chỉ số khối cơ thể (BMI) trong phạm vi thừa cân, béo phì. Nhóm này có độ tuổi từ 25 đến 59 gồm 5 phụ nữ và 11 nam giới. 5 người da đen, 3 người châu Á và một người gốc Tây Ban Nha.

Những người tham gia nghiên cứu được theo dõi trong phòng thí nghiệm về thời gian ăn. Ảnh minh họa: NDTV.

Để được lựa chọn vào nghiên cứu, những người này phải có sức khỏe tốt. Họ cũng cho biết bản thân có thói quen ăn sáng và mức độ hoạt động thể chất ổn định.

Không ai làm việc theo ca trong một năm qua. Trong 2 tuần trước mỗi lần kiểm tra, những người này không uống caffeine, rượu hay sử dụng thuốc lá mọi hình thức cũng như ma túy, chất kích thích, thuốc, trừ thuốc tránh thai. Một trường hợp đã dùng thuốc hạ huyết áp trong suốt quá trình nghiên cứu.

Không có phụ nữ nào đang ở giai đoạn tiền mãn kinh tham gia nghiên cứu này. Phụ nữ tiền mãn kinh được lên kế hoạch tham gia vào các thời điểm nhất định của chu kỳ kinh nguyệt, từ đó tránh sự gia tăng hormone xung quanh thời kỳ rụng trứng.

Các điều kiện thử nghiệm được kiểm soát chặt

Trong nghiên cứu, những người tham gia đã có 9 ngày ở lại phòng thí nghiệm tại Trung tâm Điều tra Lâm sàng của Bệnh viện Phụ nữ và Brigham vào 2 thời điểm riêng biệt. Họ có từ 3 đến 12 tuần giữa mỗi kỳ nghỉ trong phòng thí nghiệm.

Ngoài ra, trong 2-3 tuần trước khi đến phòng thí nghiệm ở lần lưu trú đầu tiên, những người tham gia chuẩn bị cho nghiên cứu bằng cách đi ngủ và thức dậy theo cùng một lịch trình.

Trước đó, các nhà nghiên cứu đã theo dõi giấc ngủ của những người tham gia trong 8 giờ bằng cách để họ đeo thiết bị đặc biệt trên cổ tay.

Những người tham gia cũng được yêu cầu ghi lại nhật ký giấc ngủ thông qua một phần mềm sử dụng giọng nói có ghi lại các mốc thời gian trước khi ngủ và sau khi thức dậy.

Giáo sư Allison giải thích: “Mục tiêu của việc làm này cố gắng khiến mọi người tuân theo chu kỳ ngủ đều đặn thường xuyên trước khi họ tới phòng thí nghiệm”.

Trong 3 ngày trước khi đến phòng thí nghiệm, những người tham gia cũng được hướng dẫn tuân thủ nghiêm ngặt chế độ và lịch ăn uống giống nhau.

Tại cơ sở thí nghiệm, mức độ ánh sáng và nhiệt độ được kiểm soát chặt chẽ. Những người tham gia không được sử dụng điện thoại, các thiết bị điện tử hay truy cập Internet. Những người này cũng không phải tập thể dục trong thời gian này. Một máy quay được đặt trong mỗi phòng để giám sát sự tuân thủ.

Trong thời gian tại phòng thí nghiệm, những người tham gia ăn các chế độ dinh dưỡng có kiểm soát theo một lịch trình cố định. Theo lịch trình của người ăn sớm, những người tham gia sẽ được ăn bữa đầu tiên một giờ sau khi thức dậy và ăn bữa tiếp theo sau mỗi 250 phút.

Đối với lịch ăn khuya, tất cả bữa ăn được lên kế hoạch cách nhau 4 giờ. Một nhà nghiên cứu đã đặt thời gian ăn cho những người tham gia, trong đó không có bữa ăn nào kéo dài quá 30 phút.

Phương pháp thử nghiệm

Vào thời gian thử nghiệm, những người tham gia sẽ báo cáo lại cảm nhận về cảm giác đói và thèm ăn của họ bằng cách sử dụng các thang đo trực quan trên máy tính 18 lần/ngày.

Các nhà nghiên cứu xem xét tác động của việc ăn khuya đối với hormone ghrelin – hormone cho não biết rằng cơ thể cần thức ăn và leptin – hormone cho não biết rằng dạ dày đã no.

Loại đồ ăn vẫn quan trọng hơn thời gian ăn khi nhắc tới tăng cân. Ảnh minh họa: eatthisnotthat.

Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra các hormone này liên tục trong suốt 24 giờ vào mỗi ngày kiểm tra.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng đo lường mức tiêu thụ năng lượng của những người tham gia bằng cách sử dụng nhiệt lượng gián tiếp 12 lần trong 16 giờ. Họ cũng đo nhiệt độ cơ thể cốt lõi của những người tham gia liên tục trong mỗi ngày thử nghiệm để kiểm tra mức tiêu hao năng lượng.

Để đo thời gian ăn ảnh hưởng như thế nào đến cách cơ thể lưu trữ chất béo, các nhà nghiên cứu đã thu thập sinh thiết của mô mỡ dưới da, chất béo được lưu trữ giữa da và cơ từ 7 người tham gia áp dụng ăn sớm và ăn khuya.

Kết quả nghiên cứu

Những người ăn khuya cao gấp đôi về tỷ lệ có cảm giác đói so với ăn sớm. Ăn khuya cũng làm tăng đáng kể tỷ lệ đánh giá cao trên thang đo mức độ việc người tham gia muốn ăn cũng như mong muốn ăn thực phẩm giàu tinh bột và thịt.

Ăn khuya còn làm giảm 16% lượng hormone leptin trong 16 giờ ở những người thức. Ngoài ra, ăn khuya làm tăng tỷ lệ ghrelin/leptin, tương quan với cảm giác đói, lên 34% trong thời gian đó.

Những người ăn khuya cũng có mức tiêu hao năng lượng thấp hơn đáng kể. Ăn khuya cũng làm giảm đáng kể nhiệt độ cơ thể trung bình ở những người tham gia trong 24 giờ.

Nhóm nhỏ những người tham gia cho phép thu thập sinh thiết có biểu hiện gene mô mỡ theo hướng tăng sinh mỡ và giảm phân giải mỡ, thúc đẩy sự phát triển chất béo khi ăn khuya.

“Tôi nghĩ nghiên cứu đã nói với chúng ta rằng về cơ bản, việc bỏ ăn khuya thực sự có lợi”, giáo sư Kelly C. Allison nói.

Hạn chế của nghiên cứu

GS Allison thừa nhận rằng nghiên cứu này có kích thước mẫu nhỏ.

“Những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm này rất khó thực hiện. Dịch Covid-19 bùng phát cũng khiến việc tìm kiếm người tham gia càng khó khăn hơn”, vị chuyên gia nói.

Một hạn chế khác là nghiên cứu chỉ bao gồm 5 phụ nữ tham gia – điều khiến GS Allison cho rằng đã giảm tính khái quát của nghiên cứu.

Mặt khác, chỉ một số người có thể ở lại phòng thí nghiệm trong 6 ngày. Ngoài ra, nghiên cứu còn những hạn chế khi được thực hiện trong phòng thí nghiệm.

Ưu điểm là các nhà nghiên cứu có thể biết chính xác người tham gia làm gì, ăn gì, giấc ngủ như thế nào… Tuy nhiên, khuyết điểm của nghiên cứu trong phòng thí nghiệm là không đại diện cho tất cả đối tượng.

Loại thức ăn quan trọng hơn thời gian ăn

Mazzoni, chuyên gia dinh dưỡng ở New York (Mỹ) và nhà phê bình y tế tại Illuminate Labs, cho rằng sau khi đọc nghiên cứu này, ông vẫn sẽ khuyến nghị mọi người ăn chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn.

Vị chuyên gia khẳng định: “Một người ăn gì quan trọng hơn thời gian họ ăn chúng”.

Ông nhận định vấn đề có thể chỉ đơn giản là ăn khuya kéo dài thời gian ăn, giảm tốc độ cơ thể hồi phục và gây khó tiêu hóa.

Mazzoni lấy ví dụ về 2 người cùng ăn sáng lúc 10h. Một người ăn bữa cuối cùng trong ngày lúc 18h. Người còn lại ăn bữa cuối lúc 11h.

Vị chuyên gia nói: “Người đầu tiên có thời gian ăn uống ngắn hơn 5 giờ, từ đó có lợi cho quá trình trao đổi chất. Tôi rất tò mò muốn xem một nghiên cứu trong tương lai hướng tới các cá nhân nhịn ăn gián đoạn vào cuối ngày. Điều này có thể loại bỏ một số nguy cơ sức khỏe được cho là của việc ăn khuya do các tác giả nghiên cứu đề xuất”.

Theo Zing.vn

Theo Xevathethao.vn