Anh Hứa Thế Hiệp (52 tuổi, TP.HCM) nhập viện tại Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, hồi cuối tháng 7 trong trạng thái tỉnh táo nhưng tay phải đau nghiêm trọng và không thể khép lại. Anh Hiệp cho biết, chấn thương xảy ra khi thực hiện bài tập đẩy tạ ở tư thế nằm. Thao tác hạ tạ diễn ra quá nhanh và cánh tay không khép lại kịp đã dẫn đến tình trạng đứt gân cơ ngực lớn.
ThS.BS.CKI Mai Hoàng Dương, bác sĩ điều trị cho anh Hiệp, cho biết dù cử tạ là một môn thể thao rất dễ gặp phải chấn thương nhưng đứt rời cơ ngực lớn là một trường hợp hiếm gặp, không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới. Hình ảnh MRI cho thấy người bệnh bị đứt hoàn toàn cơ ngực lớn tay phải, đầu gân tách rời khỏi xương cánh tay và tụt về phía ngực, tạo thành một khối u gồ lên; máu tụ dưới da cánh tay. Tình trạng này gây đau đớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày.
Cơ ngực là cơ lớn nhất của thành ngực trước. Nhóm cơ này chịu trách nhiệm cho các thao tác uốn cong, mở rộng, khép cánh tay, xoay trong cánh tay,… từ đó giúp nâng lồng ngực và toàn thân lên khi thực hiện các thao tác rướn kéo người như leo núi, đẩy tạ… Vì vậy, dù đứt gân cơ lớn không có biểu hiện triệu chứng nghiêm trọng ngoài da nhưng nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng như khối cơ gồ lên, biến dạng thẩm mỹ tay ngực; yếu do cơ teo dần đi; viêm cơ cốt hóa; áp xe… Hậu quả là cánh tay mất chức năng xoay trong, khép cánh tay…
Với trường hợp của anh Hiệp, vị trí đứt gân khó nối, do đó, phương án điều trị đặt ra là mổ hở, mở một đường 4 cm tại vị trí cơ delta ngực phải. Trong vòng 45 phút phẫu thuật, bác sĩ Hoàng Dương và ekip mổ đã tiến hành mài xương cánh tay, sau đó kéo đầu gân cơ ngực lớn về xương cánh tay và cố định lại bằng 3 neo vít.
Sau phẫu thuật, anh Hiệp chia sẻ rất hài lòng với kết quả. Một ngày sau mổ anh đã có thể cử động nhẹ nhàng. Bác sĩ Hoàng Dương cho biết, ca mổ diễn ra thành công, khả năng phục hồi của người bệnh lên đến 96%. Sau hai ngày nằm viện và thực hiện phục hồi chức năng, người bệnh đã có thể xuất viện về nhà và tái khám định kỳ.
Với những lợi ích như duy trì hình thể khỏe đẹp, tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa bệnh tật, kiểm soát căng thẳng, cải thiện đời sống tình dục,… việc tập luyện thể dục thể thao nói chung và tập gym nói riêng đang ngày càng phổ biến trong cộng đồng. Tuy nhiên, việc tập luyện sai cách sẽ dẫn đến hàng loạt nguy cơ chấn thương như đau nhức cơ bắp, rách cơ gân, bong gân trật khớp, gãy xương… và thậm chí là đột quỵ. Đặc biệt, dù điều trị thành công, người bệnh cũng khó có thể khôi phục hoàn toàn sức mạnh vùng cơ này như ban đầu.
TS.BS Tăng Hà Nam Anh, Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, cho hay phần khớp vai, bao gồm cả cơ xương khớp, chịu rất nhiều áp lực khi tập luyện thể hình, đặc biệt là khi người tập đang chủ đích tập các nhóm cơ vai, ngực với cường độ – khối lượng cao. Do đó, bác sĩ khuyến cáo các gymmer phải luôn biết lắng nghe cơ thể và có khối lượng tập luyện phù hợp với bản thân, bằng cách tập tăng dần khối lượng, kiểm soát thời gian tập luyện, thực hiện đúng động tác cho từng nhóm cơ, tránh các tổn thương các tổ chức liên quan.
Người tập gym không đột ngột thực hiện các động tác đẩy, nâng vật nặng, tạ khối lượng tăng nặng đột biến. Đồng thời, luôn tuân thủ việc khởi động, làm nóng cơ trước khi tập luyện và giãn cơ sau buổi tập. Theo độ tuổi, cơ bắp cũng sẽ có hiện tượng thoái hóa, tốc độ tái tạo và phát triển khối lượng cơ bắp cũng tỉ lệ nghịch với tuổi tác… Nam giới khi bước vào độ tuổi trung niên tập thể hình cũng cần kiểm soát khối lượng tập luyện để cơ thể và hệ cơ xương khớp có thể đáp ứng và phát triển phù hợp, tránh chấn thương như trường hợp của anh Hiệp.
Nếu không may gặp chấn thương, người tập cần biết cách xử trí, sơ cứu kịp thời và đến thăm khám sớm tại các cơ sở y tế uy tín để tránh cơn đau kéo dài, dẫn đến đau mạn tính, tình trạng teo cơ, cứng khớp hoặc thậm chí là mất chức năng của khớp.