Theo Health, các nhà khoa học từ Bệnh viện Brigham Women, Boston (Mỹ), cho biết ở trạng thái nghỉ ngơi, cơ thể đốt nhiều hơn 10% calo vào buổi chiều và đầu giờ tối so với sáng.
Để đưa ra kết luận trên, nhóm nghiên cứu dành một tháng khảo sát 7 tình nguyện viên. Những người này được yêu cầu ở trong căn phòng không có đồng hồ, cửa sổ và không được sử dụng điện thoại, Internet. Họ phải tuân theo lịch ăn uống, ngủ thức do các nhà khoa học đề ra.
Nhằm đo tỷ lệ trao đổi chất ở mọi thời điểm, mỗi ngày tình nguyện viên đi ngủ muộn hơn bốn tiếng so với hôm trước. Kết quả cho thấy họ tiêu hao ít calo hơn vào lúc đi ngủ hay còn gọi là “buổi đêm sinh học”. Ngược lại, mức tiêu thụ năng lượng đạt đỉnh vào 12 giờ sau, tức là buổi chiều và đầu giờ tối sinh học.
Do chỉ tập trung vào số lượng calo được đốt cháy khi nghỉ ngơi, bà Jeanne Duffy, đồng tác giả nghiên cứu trên thừa nhận chưa rõ liệu con người có nên điều chỉnh giờ ăn và tập thể dục vào buổi chiều tối hay không. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là tránh nạp calo vào tối muộn và sáng sớm.
“Giả sử chúng ta dậy sớm hơn 1-2 tiếng và ăn sáng cũng sớm hơn 1-2 tiếng so với bình thường”, bà Duffy nói với TIME. “Lúc đó, cơ thể vừa chưa sẵn sàng ăn vừa không cần nhiều calo đến vậy để duy trì hoạt động. Kết quả, bữa sáng bạn vẫn ăn lại khiến cơ thể tích trữ nhiều calo hơn”.
Nghiên cứu trên tuy nhỏ song cũng cho thấy đồng hồ sinh học ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất. Ngoài ra, các nhà khoa học nhận định sự thay đổi về tỷ lệ trao đổi chất nhiều khả năng là nguyên nhân khiến những người không có giờ ngủ cố định do ca làm việc hoặc các yếu tố khác dễ tăng cân. Nhóm tác giả dự định tiến hành nghiên cứu trên diện rộng hơn để kiểm chứng giả thiết này.