Thời niên thiếu Kempel đam mê chạy bộ. Với anh, chạy là một liều thuốc tinh thần và tăng cường thể chất, mang lại vóc dáng cân đối. Khi trưởng thành, anh vẫn duy trì việc tập luyện, theo Runner’s World.
Năm 2009, Kempel khi ấy 27 tuổi tham gia cuộc đua marathon đầu tiên ở San Francisco và hoàn thành 44 km trong 3 giờ 43 phút.
Năm 2013, Amy, vợ anh mang thai đôi. Hai bé mất do sinh non 18 tuần. Cú sốc đó khiến Kempel không còn cảm hứng để chạy. “Tôi quyết định treo giày lên vì không muốn chạy nữa”, anh kể lại.
Tuy nhiên, Kempel nhận ra rằng chạy bộ có thể giúp anh vượt qua những biến cố và đau khổ. Anh quay trở lại tập luyện khi con gái lớn Savannah chào đời năm 2014.
Bốn năm sau cuộc sống của hai vợ chồng bị đảo lộn khi Amy mang thai 5 em bé. Ngày 11/1/2018 năm em bé chào đời khi mới hơn 27 tuần thai, mỗi bé chỉ nặng 1,3 kg phải thở ôxy và ăn qua ống, nằm phòng chăm sóc đặc biệt đến 73 ngày.
“Đó là thai kỳ dài đằng đẵng và nguy hiểm”, Kempel cho biết. Anh nói rằng 2018 là một năm dài và quá bận rộn giữa việc chăm sóc con, đi làm và tìm thời gian để chạy.
Để có thời gian luyện tập, Kempel phải thức dậy lúc 4h sáng, đeo đèn đầu, mặc đồ phản quang và rời nhà lúc 4h30 để tập luyện. Anh thường chạy khoảng một giờ quanh nhà đề phòng khi vợ anh cần đỡ đần lúc các con dậy sớm.
Kempel cho biết: “Tôi không muốn việc tập luyện của tôi lại tạo ra gánh nặng cho vợ. Bình thường cô ấy đã mệt mỏi quá rồi”.
Hiện tại, hai vợ chồng có 7 đứa con, trong đó 5 em bé sinh năm đã được một tuổi. Khi 7 đứa con thức dậy lúc 6h30, Kempel và Amy chia nhau chăm sóc. 16h chiều, sau khi đón con gái, Kempel tiếp tục chạy lần thứ hai trong ngày.
“Tôi phải lựa thời gian để chạy”, ông bố nói.
Trong giải Surf City Marathon tại Huntington Beach, California, ngày 3/2, anh và vợ quyết định chạy cùng con trong xe đẩy. “Đây là khó khăn cho cả gia đình”, anh nói. Tuy nhiên, hồi tưởng những khó khăn mà các con đã phải trải qua trong năm, ông bố hiểu rằng chuyện gì cũng có thể làm được.
Vài tuần trước khi thi đấu, anh thử nghiệm chạy cùng xe đẩy. Anh nói việc chạy và đẩy xe không quá khó khi các bé ngủ cả quãng đường chạy. Tuy nhiên, quãng đường chạy marathon hơn 44 km lại là thử thách lớn của 6 bố con.
Tới ngày chạy, anh cho các con ăn và mặc cho mỗi em bé hai chiếc tã để cuộc đua diễn ra thuận buồm xuôi gió mà không phải dừng lại giữa chừng.
Đường đua có rất nhiều khó khăn nhưng mọi người đều cổ vũ và động viên khiến Kempel xúc động. Đặc biệt, sau khi về đích, Kempel tiếp tục chạy thêm gần 2 km nữa để đạt tới con số 44 km (27,3 dặm). Đây là con số có ý nghĩa đặc biệt với gia đình anh.
“Năm vừa qua thật mệt mỏi”, Kempel nói, “Nhưng trong khoảnh khắc chạm vạch đích, tất cả đều đáng giá”.