Nhóm nhân viên này thường dành khoảng 1-1,5 tiếng ở bể bơi, sau đó dùng bữa nhanh chóng ở một quán ăn trước khi trở về công ty.
Đối với Hải Lan, 2 tiếng buổi trưa là quá đủ để vận động, giúp cơ thể sảng khoái và tranh thủ được giờ nghỉ ngơi trong ngày.
“Tập buổi trưa thoải mái hơn, khỏi vướng bận, nhất là đối với những người đã lập gia đình như chúng tôi. Bể bơi vào giờ trưa cũng vắng hơn hẳn, không lo chen chúc như giờ cao điểm. Tính cả thời gian thay đồ, chúng tôi vẫn kịp trở lại trước ca làm việc chiều”, cô nói.
Thay vì đi ăn uống hay chợp mắt lấy sức, nhiều nhân viên văn phòng ở Hà Nội và TP.HCM đang tận dụng khung giờ nghỉ trưa để tập luyện thể thao tại các trung tâm gần công ty.
Trong đó, các lớp yoga, bơi lội, gym với thời lượng học tối đa 60 phút được quan tâm. Nhiều người khẳng định không buồn ngủ hay uể oải trong ca làm chiều, trái lại họ cảm thấy được tiếp thêm năng lượng nhờ được tập luyện giờ trưa.
Tranh thủ giờ nghỉ trưa
Đều đặn 12h mỗi thứ 2, 4 và 6 hàng tuần, Đinh Thị Ngọc Tuyền (30 tuổi, TP.HCM) có mặt tại lớp yoga gần công ty nằm trên đường Nguyễn Trãi (quận 1), cách công ty chỉ 5 phút đi bộ.
Khác với phòng tập ở tầng dưới, lớp yoga kín chỗ vào khung giờ trưa. Với sự hướng dẫn của giáo viên, cô cùng hơn 20 học viên khác tập trung vào từng động tác và nhịp thở.
Chia sẻ với Zing, nữ nhân viên văn phòng cho biết mình tận dụng thời gian nghỉ trưa để tập luyện suốt 2 năm qua. Nhờ đó, cô luôn có một chiều làm việc sảng khoái hơn. Cũng nhờ có vận động, cơ thể cô săn chắc, dẻo dai hơn, cải thiện vấn đề đau mỏi vai gáy trước đây.
Hồng và Hiền Anh, cùng làm việc tại cơ quan Nhà nước nằm trên đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy, Hà Nội), cũng tập yoga ở phòng tập gần công ty hơn 1 năm qua.
Chỉ trừ những ngày đi công tác, cả hai đều dành thời gian nghỉ trưa tại một lớp tập chỉ cách công ty vài trăm mét.
Sau khoảng 10 phút di chuyển từ cơ quan ra phòng gym, thêm 5 phút thay đồ, hai nữ nhân viên văn phòng đã có thể bắt đầu buổi vận động. Thời gian còn lại, cả hai tranh thủ ăn nhẹ trong khoảng 10-15 phút rồi sẵn sàng trở lại làm việc lúc 13h30.
“Đối với dân văn phòng chúng tôi, khung giờ nghỉ trưa có lẽ cũng là thời điểm tập hợp lý nhất. Sáng sớm hoặc chiều muộn sẽ vướng bận các việc khác như đưa đón con nhỏ hay nấu nướng, khó mà thảnh thơi tập luyện được”, Hồng nói.
Theo kinh nghiệm của cả hai, để tận dụng hiệu quả giờ nghỉ trưa cho buổi tập gym, nên lựa chọn địa điểm gần cơ quan, công ty để tiết kiệm thời gian di chuyển. Bên cạnh đó, không tập các bài tập hoặc môn thể thao quá nặng, tránh gây mệt, mất sức vào buổi chiều.
“Ngày trước, tôi cũng hay đi ăn uống rồi cà phê vào giờ trưa, thấy cơ thể sau đó khá uể oải. Bây giờ tập quen rồi, cảm giác tinh thần lúc nào cũng phấn chấn, suy nghĩ tích cực và vóc dáng cũng cải thiện hơn”, Hiền Anh kể.
Từ khi tình hình Covid-19 ổn định và các công ty trở lại văn phòng làm việc, anh Nguyễn Văn Thành (33 tuổi), CEO công ty cung cấp thiết bị chăm sóc sức khỏe, cũng lựa chọn khoảng thời gian nghỉ trưa để tới phòng tập, đều đặn một tuần 5 buổi.
“Công ty tôi ở cách phòng gym khoảng 2 km, không quá xa. Tôi dành khoảng 1 tiếng chạy bộ và thực hiện các bài tập, sau đó tắm rửa và thay đồ rồi mới đi ăn. Nói chung, tôi không thấy quỹ thời gian 2 tiếng là gấp gáp hay quá cập rập cho hoạt động này”, anh chia sẻ.
Cũng bởi làm việc trong lĩnh vực cung cấp thiết bị chăm sóc sức khỏe, anh Thành dành nhiều quan tâm đến việc tập luyện và khuyến khích các nhân viên rèn luyện thể chất.
“Trong tương lai, khi công ty phát triển hơn với diện tích đủ rộng, tôi dự định thuê giáo viên về hướng dẫn nhân viên tập luyện ngay tại văn phòng, giúp mọi người tranh thủ cải thiện sức khỏe mà không phải đi xa”, anh nói.
Xu hướng tập luyện mới
Vy Vy (29 tuổi), quản lý trung tâm Level Fitness & Yoga Center (quận Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết thông thường, khung giờ cao điểm ở các phòng tập là chiều muộn, từ sau 16h30. Tuy nhiên, lượng khách đến tập vào buổi trưa có xu hướng tăng thời gian gần đây.
Yoga và bơi lội là hai bộ môn được ưa thích nhất ở khung giờ trưa. Yoga có các lớp theo chương trình kéo dài 1 tiếng, còn bể bơi khá vắng vẻ vào buổi trưa, đem lại cảm giác riêng tư và thoải mái cho nhiều khách hàng.
Theo quản lý, đa số học viên của lớp yoga buổi trưa, diễn ra vào 11h30-12h30 hàng ngày, là nhân viên văn phòng.
“Do bận rộn với việc gia đình khung giờ sáng sớm và chiều muộn, nhiều khách nữ là nhân viên văn phòng chọn tập luyện vào giờ nghỉ trưa. Phần lớn làm việc ở các công ty lân cận, tiện di chuyển đến phòng tập trong 5-10 phút”, cô chia sẻ.
Nguyễn Văn Đoàn, quản lý chuỗi phòng tập SFIT BODIEs (TP.HCM), cũng nhận thấy xu thế tương tự. Anh cho biết nhân viên văn phòng, đặc biệt nữ giới, đang đầu tư cho ngoại hình và sức khỏe của mình, bên cạnh công việc.
“So với nam giới, nữ giới gặp nhiều áp lực ngoại hình hơn và dẫn đến sự tự ti, đặc biệt là phụ nữ sau sinh”, anh nhận định.
Một số ý kiến cho rằng tập luyện buổi trưa sẽ dẫn đến tình trạng uể oải, mệt mỏi vào giờ làm việc chiều. Tuy nhiên, anh Đoàn cho rằng điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, bao gồm lượng tinh bột nạp vào cơ thể, khối lượng công việc và thói quen ngủ trưa.
“Chắc chắn vài ngày đầu, người tập sẽ cảm thấy buồn ngủ do chưa kịp thích ứng. Nhưng sau đó, họ sẽ không còn rơi vào tình trạng đó nhờ điều chỉnh chế độ ăn uống và hồi sức. Hơn nữa, tập luyện buổi trưa giúp tiết kiệm thời gian cá nhân sau giờ làm việc”, anh chia sẻ.
Nguồn: Zing