Cuối giờ học, Lan Chi nán ở lại lớp để quay clip, chụp ảnh múa cột rồi đăng tải lên mạng xã hội. Hình ảnh đẹp, nhiều tương tác là những gì cô cần.

Nhiều người trẻ tìm đến các lớp học múa, nhảy, đàn, hát để thể hiện bản thân qua mạng xã hội.

“Giỏi quá chị ơi”, “Chị học ở đâu thế ạ”, “Ui, xịn”… – những dòng bình luận liên hồi khiến Lan Chi (24 tuổi, TP.HCM) thích thú. Từ khi đăng tải những video học múa cột lên mạng xã hội, cô nhận được rất nhiều sự tương tác từ bạn bè, người quen.

3 ngày mỗi tuần, Lan Chi chạy hơn 5 km từ chỗ làm đến trung tâm dạy múa để học. Tuy nhiên, cô xác định mình không thể gắn bó với bộ môn này vì không thấy thích.

“Tôi cố học cho xong chứ đuối lắm rồi, tiếc tiền đã đóng nên phải theo đuổi”, Lan Chi nói.

Giáo viên dạy kỹ năng, kiêm chụp ảnh hộ

Chia sẻ với Zing, cô cho biết mình tò mò khi thấy nhiều người trong danh sách bạn bè đi học múa cột, múa lụa. Nhân viên văn phòng này tự nhận thấy đây là trào lưu mới, không muốn đứng ngoài cuộc chơi nên vội vàng đăng ký.

Kết quả nhận được sau lớp học là những video được quay, chỉnh sửa bài bản từ trung tâm để cô có thể đăng tải lên mạng xã hội làm kỷ niệm.

“Đó là tất cả những gì tôi mong muốn, chỉ 8 buổi học, tôi không đòi hỏi gì hơn”, cô nói.

Nhưng để đầu tư cho những hình ảnh trên mạng xã hội, Lan Chi không những tốn tiền mà còn phải dành thời gian.

Cô cho biết mỗi buổi học sẽ kéo dài khoảng một tiếng. Trong đó, 30 phút đầu tiên, giáo viên sẽ dạy học viên động tác mới và hướng dẫn kỹ thuật.

30 phút còn lại là thời gian để từng người sử dụng cột để quay video, chụp ảnh.

“Lần lượt từng người lên quay động tác hôm đó mình học được. Ai ưng ý rồi thì yên tâm tối đó có ảnh, clip đẹp đăng story. Ai chưa hài lòng thì có thể nhờ người khác quay lại đến khi nào được thì thôi”, cô kể thêm.

Tuy vậy, 30 phút rõ ràng là không đủ để từng học viên tạo dáng. Thông thường, những buổi học của Lan Chi kéo dài đến 2 giờ đồng hồ, chỉ để cô cùng một vài bạn học viên thoải mái quay, chụp cho nhau.

Nếu ca sau không có người học, cô và các học viên được giáo viên cho phép sử dụng phòng học để “sống ảo”. Tuy nhiên, nếu lớp vướng lịch, cô và mọi người phải thuê phòng riêng và tiếp tục quay video.

Không những vậy, để có những bức ảnh đẹp trên cột, nhân viên văn phòng này cũng sắm sửa không ít đồ học. Đa phần là các bộ bikini màu sắc để hình ảnh được đẹp hơn.

“Tôi ít khi đi biển lắm, bikini đa phần đều để mặc đi học múa cột mà thôi. Mỗi bộ dao động khoảng 350.000 đồng. Đến nay, tôi đã chi khoảng 1,5 triệu đồng cho những món đồ này”, Lan Chi nhẩm tính.

Tương tự, Uyên Thư (25 tuổi, TP.HCM) cũng tham gia những lớp học múa, học nhảy do tò mò, muốn trải nghiệm.

Một khóa chỉ kéo dài 8 buổi. Trung bình mỗi khóa học, các trung tâm sẽ thu học viên 1,5 triệu đồng. Tiền học đã bao gồm phòng tập, giáo viên hướng dẫn và trang thiết bị đi kèm.

“Nhân viên tư vấn gói học cho tôi nói rằng lớp sẽ có giáo viên hỗ trợ quay, chụp video trong quá trình học, đảm bảo có hình ảnh để đăng tải lên mạng xã hội. Đây như một điều kiện tiên quyết kèm theo, tôi thấy bên nào cũng giới thiệu như thế”, cô kể.

Uyên Thư quyết định đăng ký học lớp múa vòng và nhảy sexy dance với giá 3 triệu đồng/khóa.

Tuy nhiên, cả hai bộ môn này đều không phải thế mạnh của cô.

“Có nhiều ngày tôi xin dời lịch vì mệt và chán quá, thấy mình không phù hợp”, cô kể.

Nhưng chỉ cần nhìn vào mạng xã hội đã quá nhiều ngày không có cập nhật gì mới, cô lại lấy đó là động lực bật dậy đến lớp.

“Đi học về có nhiều cái để update lên, người này người kia xem rồi bình luận cũng vui”, cô kể lại.

Không đem lại gì

Sau khi hết lớp học, Lan Chi không nhận thấy gì thay đổi đối với cơ thể, sức khỏe. Thứ cô có được là hàng chục video, hình ảnh để đăng tải dần cho đến khi tìm ra bộ môn mới hơn.

“Tôi cũng không kỳ vọng gì lắm vì thực ra mục tiêu đi học của tôi cũng không phải gắn bó lâu dài hay giảm cân, dẻo dai gì cả. Tôi học vì ham vui thôi”, cô thẳng thắn chia sẻ.

Sau một buổi học mệt nhoài, Uyên Thư cũng vội vàng về nhà, dùng ứng dụng chỉnh sửa video để bắt đầu cắt ghép. Cô tốn nhiều thời gian để tìm một bài nhạc phù hợp, căn chỉnh tỷ lệ khung hình. Đôi khi, cô sẽ sử dụng một vài ứng dụng chỉnh sửa ảnh để xóa đi khuyết điểm trên cơ thể.

Học được đủ 8 buổi múa vòng, Thư chỉ thực hiện được những động tác căn bản. Đối với lớp sexy dance, cô nhảy được một bài tròn trịa với những động tác không quá khó theo sự hướng dẫn của giáo viên.

Ở nhà không có vòng, cũng không có giáo viên hướng dẫn, Uyên Thư lắc đầu chứ không thể nào thực hiện lại được như những gì đã học ở lớp.


Bảo Anh (24 tuổi, TP.HCM) cũng là một người thích học cái mới. Ngoài tham gia các lớp workshop đắt đỏ với giá gần cả triệu đồng như làm gốm, vẽ tranh, cô còn học đàn guitar, ukulele và làm bánh.

Chia sẻ với Zing, Bảo Anh cho biết mình theo đuổi một vài bộ môn mới vì một phần cảm thấy thích, phần khác bởi muốn xây dựng hình ảnh thú vị trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, Bảo Anh đánh giá cô học xong quên ngay vì những lớp học rất ngắn hạn, không đủ thời gian để ghi nhớ và làm được một mình.

“Những ai chỉ học cho biết và không đam mê sẽ không nhớ được lâu. Cái này tôi đảm bảo. Học chủ yếu để có thành phẩm mang về khoe bạn bè thôi. Như tôi vẫn còn hình ảnh bánh cheese cake đầu tiên mình làm đây, nhưng giờ bắt làm lại cái y hệt thì chịu”, cô khẳng định thêm.

Mạng xã hội làm người trẻ ảo tưởng

Theo Elite Daily, người trẻ tuổi có xu hướng quan tâm đến việc chứng minh cho mọi người mình là ai thông qua mạng xã hội.

Đôi khi một cô gái mua một chiếc váy mới để đến buổi tiệc, nhưng lý do quan trọng hơn là vì cô ấy muốn đổi một bức ảnh đại diện mới thay vì tận hưởng ngày hôm đó.

Không phải tất cả những thứ lấp lánh đều là vàng. Nói cách khác, những gì bạn thấy trên mạng xã hội không phản ánh được thực tế.

Nhiều người trẻ thừa nhận cuộc sống của họ đang bị mạng xã hội chi phối. Họ luôn muốn tìm cách thể hiện nhiều khía cạnh của bản thân ở đó. Ảnh: Le Minh/Pexels.

Thế nhưng, nghiên cứu cho thấy hầu hết người trẻ đều kiểm tra điện thoại của họ đến 100 lần/ngày. Việc dành quá nhiều thời gian vào mạng xã hội và nỗi ám ảnh về việc xây dựng hình tượng trên mạng đang khiến họ gặp nhiều vấn đề, trong đó bao gồm cảm giác lo lắng, tự ti, hoài nghi về bản thân.

Nhiều người trẻ cho rằng mạng xã hội là nơi họ quyết định được “bản thân là người thế nào”.

Do đó, lượt thích, lượt theo dõi càng cao, họ càng nổi tiếng và nhận được sự ưu ái lẫn ghen tị. Một số người sẵn sàng làm nhiều việc để tìm kiếm người tương tác, làm cho bài đăng của mình trở nên phổ biến hoặc có nhiều lượt like hơn.

Để thoát khỏi những “ám ảnh” vô hình trên mạng xã hội, Elite Daily đưa ra những lời khuyên:

  • Đánh giá cao bản thân: Thay vì làm hài lòng ánh nhìn của người khác, chúng ta nên học cách đánh giá cao giá trị bản thân. Bạn sẽ có những sở trường riêng như thể thao, trí tuệ, ngoại hình… Bạn không cần phải theo một hình mẫu nào trên mạng xã hội.
  • Rời xa mạng xã hội: Điều này dĩ nhiên là khó, nhưng hãy bắt đầu từ những bước dễ hơn. Đơn giản nhất là giảm tần suất kiểm tra thông báo từ các ứng dụng để tập trung hoàn thành công việc. Nếu ai đó khiến bạn ghen tị hoặc khiến bạn có những cảm xúc tiêu cực, hãy tạm dừng theo dõi họ.
  • Học cách tận hưởng cuộc sống: Việc nhiều người biết đến bạn, quan tâm những gì bạn đang làm, ăn uống hay vui chơi xa xỉ không phải điều quan trọng. Bạn hãy học cách tận hưởng những gì mà mình có và không cần ai phải đánh giá nó.

Nguồn: https://zingnews.vn/nhieu-nguoi-den-lop-mua-cot-phong-gym-chi-de-chup-anh-roi-ve-post1361726.html